Chính sách mâu thuẫn

Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế

Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế với 3 trụ cột gồm đầu tư công, DN nhà nước và ngân hàng.
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo với chủ đề “Việt Nam - Giữ vững ổn định, tăng cường lợi thế cạnh tranh và gặt hái được các tiềm năng tăng trưởng”.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt. Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thành tựu ấn tượng, nhưng nền kinh tế hiện nay đang gặp một số khó khăn thách thức như: tăng trưởng suy giảm, một số vấn đề trong hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, tình hình kinh tế thế giới đã có những bước cải thiện, song vẫn rất mong manh. Những rủi ro tiềm ẩn trong thị trường tài chính thế giới và châu Á vẫn rất lớn.

Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tận dụng được các tiềm năng tăng trưởng, tăng cường lợi thế cạnh tranh, đạt được những thành quả bền vững trong ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tiến bước trên con đường trở thành một trong những thị trường mới nổi thế hệ mới.

Ông Alfred Schipke, chuyên gia của IMF cho rằng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự mâu thuẫn của các mục tiêu chính sách; không có sự vận hành độc lập; hiệu quả của chính sách tiền tệ yếu do khu vực ngân hàng bị tổn thương; dự trữ ngoại hối thấp…

Do đó, để đạt được một khuôn khổ chính sách tiền tệ mong muốn, IMF khuyến cáo, Việt Nam nên đơn giản hóa nhiệm vụ của chính sách tiền tệ bằng việc đặc mục tiêu hàng đầu là lạm phát thấp và ổn định. Với tỷ giá, cần thả nổi có điều tiết bằng việc tăng dần tính linh hoạt (mở rộng biên độ tỷ giá). Ngoài ra, thông tin chính sách tiền tệ cũng cần được minh bạch hơn…

Bên cạnh đó, một số đại biểu khác cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột đã đề ra là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng.

Để giữ vững ổn định, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng cũng không chủ quan về lạm phát.

Bà Hồng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp, năm 2013, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tục kiên định mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Các giải pháp chính sách tiền tệ thực hiện trong năm 2013 sẽ bám sát điều kiện kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát.

"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng cũng không chủ quan về lạm phát. Một nghiên cứu của IMF cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố phi tiền tệ. Do đó, thời gian tới, bên cạnh các giải pháp tiền tệ, tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt, những chính sách về tài khóa cũng phải được thực hiện quyết liệt hơn," bà Hồng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm quốc tế đã được trao đổi, thảo luận, qua đó đưa ra những đóng góp có ý nghĩa vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam. Cụ thể, các kinh nghiệm liên quan đến cách thức củng cố hệ thống thuế; tăng cường hiệu quả, trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp nhà nước; các công việc cần thiết để cải thiện khuôn khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô cho nền kinh tế./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục