Việt Nam tiếp tục đề xuất các định hướng hợp tác trong ASEM

Việt Nam đã chủ động đóng góp, tham gia đề xuất định hướng hợp tác Á-Âu, góp phần nâng cao vị thế trong Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).
Việt Nam tiếp tục đề xuất các định hướng hợp tác trong ASEM ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: asef.org)

Ngày 20/4, Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” do Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Tại hội nghị này, Việt Nam đã chủ động đóng góp, tham gia đề xuất định hướng hợp tác Á-Âu, góp phần nâng cao vị thế trong Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).

Vai trò của ASEM trong cục diện mới

Tháng 3/1996, Tiến trình Hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting - gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Qua 5 lần mở rộng, số lượng thành viên đã tăng gấp đôi (từ 26 lên 53 thành viên) trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 thành viên G20, đại diện gần 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 52% GDP và 68% thương mại toàn cầu.

Đánh giá về vai trò của ASEM trong cục diện mới, ông Trần Ngọc An - Trưởng SOM ASEM Việt Nam nhấn mạnh ASEM đóng vai trò là cầu nối giữa hai châu lục: châu Á và châu Âu. Đây là diễn đàn mà hai châu lục này tăng cường xây dựng lòng tin thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

So với 20 năm trước, hiện nay tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi sâu sắc và nhanh chóng, đặt ra cho ASEM nhiều thách thức cũng như nhiều cơ hội mới. Trước những diễn biến mới đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, ASEM với 53 thành viên, trong đó có tới 4 trong số 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có tiếng nói rất quan trọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định. Đây là điều kiện không thể thiếu được để phát triển.

Bên cạnh đó, với 53 nước thành viên, ASEM còn chiếm tới gần 60% dân số, 68% thương mại toàn cầu, phối hợp với cơ chế đa phương khác với các nội dung đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng cường thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai khu vực... ASEM làm sống động và có đóng góp vào chương trình nghị sự chung, tạo điều kiện kinh tế của hai khu vực phát triển cũng như có những đóng góp trên toàn cầu.

Chia sẻ về việc thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong hợp tác ASEM, ông Trần Ngọc An cho rằng thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của Việt Nam là tích cực chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực trong ASEM. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp vào công việc chung của ASEM nhằm nâng cao hiệu quả của ASEM nói chung, hài hòa hóa được giữa các tính chất không chính thức của diễn đàn với việc nâng cao hiệu quả và hướng tới những kết quả cụ thể.

Qua những sáng kiến, Việt Nam đã có những đóng góp vào tăng cường những hợp tác trên các lĩnh vực, ở 3 trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Việt Nam sẽ cùng các nước khác đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu và những ưu tiên chung liên quan của toàn cầu như: vấn đề môi trường, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, đối phó với những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống và tăng cường hơn nữa sự gắn kết trong ASEM, tăng cường giao lưu trao đổi giữa hai khu vực.

Tiếp tục chủ động đóng góp trong ASEM

Với tư cách thành viên sáng lập của Diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 năm 2004, 5 hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động, đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực hợp tác như lĩnh vực an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội khoa học-công nghệ, du lịch, văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng.

Đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác ASEM trong thế kỷ 21, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nguyên Trưởng SOM ASEM Việt Nam cho biết Việt Nam nhận thức Diễn đàn hợp tác Á-Âu là một trong những diễn đàn quan trọng, phát triển trong thế kỷ 21. Việt Nam đề xuất những nội dung cụ thể, cũng như tăng cường đóng góp, thúc đẩy hợp tác trong ASEM.

Đối với hợp tác ASEM với 3 trụ cột: đối thoại chính trị; hợp tác kinh tế; giao lưu nhân dân và văn hóa, Việt Nam có nhiều sáng kiến trong 20 năm qua, trở thành một trong 5 nước có nhiều sáng kiến nhất.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nguyên Trưởng SOM ASEM Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực lớn, thiết thực đối với nhân dân và cộng đồng ASEM như ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam đã cảm nhận tác động của biến đối khí hậu hàng ngày, nhất là vấn đề hạn hán hiện nay, do đó, nội dung này được Việt Nam đưa ra và đề xuất trong 4 năm qua và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Lĩnh vực thứ hai mà Việt Nam chú trọng đề xuất, đóng góp đó là giao lưu thanh niên và đào tạo nguồn nhân lực. Về giao lưu thanh niên và trụ cột về giao lưu văn hóa con người, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác và có nhiều sáng kiến. Nổi bật là năm 2016, Việt Nam tổ chức Diễn đàn thanh niên ASEM, hội tụ hơn 100 thanh niên của 53 nước thành viên ASEM. Đây là sự hội ngộ không chỉ để bạn bè quốc tế biết về Việt Nam mà còn là dịp để thanh niên Việt Nam biết về các nước Á-Âu, xu thế hội nhập. Việt Nam cũng tập trung đóng góp nhiều về vấn đề đào tạo và đề xuất thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế xanh.

“Tại hội nghị lần này Việt Nam chủ động đóng góp vào hai lĩnh vực mới là công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Công nghệ sáng tạo là xu thế lớn trong thế kỷ 21 và đặc biệt là trong thập kỷ này trở đi. Vì thế những năm tới đòi hỏi chúng ta kịp thời nắm bắt những thời cơ và ứng phó với những thách thức tác động. Đối với nước ta, sáng tạo công nghệ là vấn đề quan trọng. Có thể nói đây là chìa khóa để chúng ta thay đổi và tái cơ cấu nâng cao chất lượng phát triển,” Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục