Việt Nam từng bước khẳng định vị trí trên toàn cầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cảm nhận được những cơ hội do mở cửa thị trường, hòa nhập với trào lưu chung của thị trường thế giới, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã cảm nhận được những cơ hội do mở cửa thị trường, hoà nhập với trào lưu chung của thị trường thế giới, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng cho rằng đó cũng là thời kỳ mà Việt Nam ý thức được rất rõ ràng sự cạnh tranh khốc liệt trên tầm quốc tế, có cơ hội nhìn lại chính mình để thấy được những yếu kém của nền kinh tế nói chung, của ngành Công nghiệp và Thương mại nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị "Hai năm Việt Nam gia nhập WTO - Đánh giá tác động hội nhập kinh tế quốc tế" tổ chức ngày 2/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo những công việc triển khai các cam kết với WTO, với các tổ chức kinh tế thế giới nhất là với ASEAN, với các diễn đàn kinh tế thế giới như ASEM, APEC... đồng thời điều chỉnh và bổ sung chính sách, tổ chức lực lượng của các doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đam lại, hạn chế những tiêu cực trong sự cạnh tranh quốc tế.

Nhờ đó, nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua vẫn là một điểm sáng trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lực lượng kinh doanh đã lớn mạnh. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đã tăng với tốc độ cao, cơ cấu mặt hàng và thị trường đã được cải thiện đáng kể theo hướng tích cực, thị trường nội địa phát triển tốt.

Tại Hội nghị, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp, thêm vào đó là cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt nên Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: chỉ số giá tiêu dùng cao, nhập siêu lớn, chất lượng tăng trưởng một số ngành chưa bền vững, cạnh tranh các cấp còn hạn chế, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao.

Mặt khác, thời gian hai năm cũng là thời điểm nền kinh tế có nhiều biến động phức tạp. Sự khủng hoảng của tài chính toàn cầu, sự bất ổn về kinh tế Hoa Kỳ cũng như sự thay đổi của giá năng lượng đã làm ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nền kinh tế toàn cầu và dĩ nhiên Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Giáo sư Lê Hữu Nghĩa cho rằng khi Việt Nam mở cửa đã chịu tác động sâu sắc của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế hai năm qua chưa phản ánh đầy đủ và chính xác tác động thực của Việt Nam trong tiến trình gia nhập WTO. Do vậy, quá trình đánh giá tác động sẽ còn được triển khai một cách nghiêm túc và đầy đủ trong những năm tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức gồm tập trung vào các thị trường và sản phẩm chủ lực đồng thời đa dạng hoá thị trường và mặt hàng; tăng cường hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp và nhãn hiệu sản phẩm; nâng cao vai trò và năng lực của các Hiệp hội nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao và nhiệm vụ ngày càng lớn; xây dựng chuẩn mực văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục