Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình.
Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ảnh 1Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Trong hai ngày 8/6 và 10/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc  đã họp thảo luận về việc dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an (Hội đồng Bảo An) về tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên bị phủ quyết ngày 26/5 vừa qua.

Đây là cuộc họp đầu tiên được triệu tập theo Nghị quyết 76/262 của Đại hội đồng trong đề mục cải tổ hệ thống Liên hợp quốc, diễn ra sau khi lần đầu tiên có một dự thảo nghị quyết về vấn đề hạt nhân Triều Tiên không được thông qua tại Hội đồng Bảo An. 

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid khẳng định việc Đại hội đồng tổ chức thảo luận khi lá phiếu phủ quyết được đưa ra ở Hội đồng Bảo An sẽ khuyến khích trách nhiệm giải trình trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Ông Shahid cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để đạt mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định Đại hội đồng có vai trò quan trọng cùng với Hội đồng Bảo An thúc đẩy thảo luận về vấn đề này.

Cuộc họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi rộng rãi của các nước thành viên Liên hợp quốc, với hơn 80 nước tham gia phát biểu.

Nhiều nước hoan nghênh việc cuộc họp của Đại hội đồng được triệu tập nhằm khuyến khích tính minh bạch trong công việc chung của Liên hợp quốc, đồng thời phát huy vai trò của Đại hội đồng là cơ quan có tính đại diện rộng rãi nhất. Một số nước cũng bày tỏ quan ngại về các vụ phóng gần đây của Triều Tiên, trong đó có các vụ thử tên lửa liên lục địa.

Đại diện nhiều nước cũng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động tương tự, mong muốn các bên sớm quay trở lại đối thoại và đàm phán để tìm ra giải pháp hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cũng đưa ra các lập luận về cơ sở cho quyết định phủ quyết vào ngày 26/5 tại Hội đồng Bảo An. 

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.

[Việt Nam sẵn sàng đóng góp thực chất ở các diễn đàn phát triển của LHQ]

Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, bày tỏ quan ngại về các diễn biến trong thời gian gần đây có thể làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam không ủng hộ các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, tác động tiêu cực tới hòa bình, an ninh khu vực.

Đại sứ Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nỗ lực thúc đẩy đối thoại, phát huy và kế thừa các kết quả đã đạt được trong thương lượng, tiếp xúc trong các năm gần đây để tìm ra giải pháp lâu dài, toàn diện, trên cơ sở tính đến lập trường và lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy đối thoại và đàm phán giữa các bên liên quan về vấn đề này.

Việt Nam tiếp gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên đang gặp phải đối mặt với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề nhân đạo khác.

Nghị quyết 76/262, được Đại hội đồng đồng thuận thông qua ngày 26/4 năm nay. Theo đó, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi một nước thường trực Hội đồng Bảo An phủ quyết đối với một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo An, Đại hội đồng sẽ tổ chức thảo luận về tình hình dẫn đến việc phủ quyết đó.

Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng Bảo An, tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc đều có thể đưa ra bình luận về phiếu phủ quyết này hoặc các vấn đề liên quan khác. Nước sử dụng quyền phủ quyết sẽ được ưu tiên phát biểu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục