Việt Nam ủng hộ sáng kiến về “Thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình”

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định Việt Nam nhất trí cao và sẵn sàng tiếp tục nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu sáng kiến “Thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình".
Việt Nam ủng hộ sáng kiến về “Thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình” ảnh 1Lực lượng lao động Việt Nam trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. (Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Khóa họp lần thứ 61 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW-61) diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) từ ngày 13-24/3 với chủ đề “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi”. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn.

Bên lề khóa họp lần thứ 61 (CSW-61), ngày 15/3, Tổng thống Costa Rica Guillermo Solis Luis đã chủ trì tổ chức lễ công bố sáng kiến về “Thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình”. Tại buổi lễ, thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam,  Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định Việt Nam nhất trí cao và sẵn sàng nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu của sáng kiến "Thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình".

Lễ công bố đã thu hút sự tham gia và quan tâm của các quốc gia thành viên Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc. Sáng kiến xuất phát từ thực tế là nông nghiệp hộ gia đình sản xuất từ 70-80% lương thực trên toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cũng như việc làm ở nông thôn, tạo thu nhập, và quản lý hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bao gồm sử dụng đất và nguồn nước...

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “ Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng khi mà phụ nữ ở nhiều quốc gia trên thế giới đang đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp và trong đời sống nông thôn.”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, hiện lao động nữ nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 58% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, sản xuất ra hơn 60% sản phẩm nông nghiệp và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và trong phát triển cộng đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới theo hướng diện mạo văn minh, hiện đại hơn. Phụ nữ nông thôn được xem là chủ thể và cũng vừa là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp từ công cuộc này. Có thể nói những nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong nông nghiệp, nông thôn hoàn toàn phù hợp với các nội dung của “Sáng kiến về Thập kỷ Nông nghiệp hộ gia đình.” Sáng kiến này cũng là một bước quan trọng để đạt được các Mục tiêu về Phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã đề ra mục tiêu 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, tại Việt Nam, các mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp đã và đang góp phần giúp phụ nữ nông thôn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế, tham gia ngày càng nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội và từng bước ứng phó với những nguy cơ của biến đổi khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục