Việt Nam và USAID tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Việt Nam và USAID hiện nay đang có nhiều dự án hợp tác, bao gồm cả những dự án xử lý hậu quả chiến tranh như bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, tẩy chất độc hóa học...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ làm việc với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ làm việc với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, ngày 10/4 (giờ địa phương), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tham dự hội nghị bàn tròn chính sách đầu tư với Tập đoàn Asia Group tại thủ đô Washington DC.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tại buổi làm việc với lãnh đạo USAID, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ vui mừng gặp Tổng Giám đốc USAID toàn cầu Mark Green.

Bộ trưởng đã nhấn mạnh tới mối quan hệ hợp tác gần 20 năm qua giữa Văn phòng Chính phủ và USAID, cảm ơn USAID đã triển khai nhiều chương trình, dự án ODA viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, trong đó có nhiều dự án lớn, có ý nghĩa và hiệu quả như Dự án Tẩy độc sân bay Đà Nẵng; chuẩn bị triển khai Dự án Tẩy độc Sân bay Biên Hòa; Dự án Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

Bộ trưởng đồng thời đánh giá cao việc USAID đã tăng 40% ngân sách viện trợ cho Việt Nam trong 3 năm qua.

[USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo]

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị USAID tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vấn đề cải cách thể chế, quản trị nhà nước, trong đó xây dựng, phát triển chính phủ điện tử là một trong những yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, thiết lập cơ chế công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan với xã hội và nhân dân.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tin tưởng quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi, thông qua Chiến lược Hợp tác phát triển quốc gia (CDCS) của USAID tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 mà USAID đang xây dựng; đề nghị USAID tiếp tục tham vấn đầy đủ các cơ quan Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược này để có một định hướng hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc USAID toàn cầu Mark Green cho biết những thông tin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong vấn đề cải cách và xây dựng chính phủ điện tử.

Theo ông, Việt Nam và USAID hiện nay đang có nhiều dự án hợp tác, bao gồm cả những dự án xử lý hậu quả chiến tranh như bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, tẩy chất độc hóa học...

Ông Mark Green cho rằng cách tốt nhất tăng cường hợp tác giữa hai bên là làm nhiều hơn nữa, đi vào các dự án cụ thể để đạt được các kết quả tốt hơn trong tương lai. Đây là cách tuyệt vời để tiếp tục đặt nền móng và để Việt Nam-Mỹ có mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai.

Tổng Giám đốc USAID bày tỏ tin tưởng hai bên có thể thảo luận thêm về các lĩnh vực có thể hợp tác trong 5 năm tới.

Năm vừa qua USAID đã xây dựng lộ trình phát triển và đây là công cụ đánh giá tại các nước để hiểu rõ hơn năng lực, quyết tâm và khó khăn mà các nước đang gặp phải.

Ông Mark Green cũng tin rằng Việt Nam và USAID có nhiều điểm chung để quan tâm trong thời gian tới bởi Việt Nam đang tập trung cải cách, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam.

Việt Nam và USAID tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gặp cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch và CEO của Asia Group, ông Kurt Campbell. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã tham dự hội nghị bàn tròn chính sách đầu tư với Asia Group. Hội nghị có sự tham gia của ông Kurt Campbell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của Asia Group; thành viên và đối tác của Asia Group; lãnh đạo một số công ty và một số cựu quan chức chính quyền Mỹ.

Chủ tịch và CEO của Asia Group Kurt Campbell cho biết Asia Group và các công ty mong muốn trao đổi về quan hệ Việt Nam-Mỹ; tìm hiểu về môi trường đầu tư của Việt Nam và các cơ hội thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các công ty Mỹ như Google, AIG, Asia Pacific, VISA... chia sẻ về quá trình đầu tư tại Việt Nam và vui mừng trước những thay đổi cải cách của Việt Nam.

Các hãng nhận định môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn và là điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư tại Việt Nam.

Đại diện Công ty VISA đánh giá cao tích cực tầm nhìn của Việt Nam về tăng cường sử dụng thanh toán điện tử và cho biết sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tầm nhìn này.

Việt Nam và USAID tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ảnh 2Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gặp gỡ một số thành viên và đối tác của Asia Group, lãnh đạo một số công ty và cựu quan chức chính quyền Mỹ. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)

Các công ty cũng mong muốn tìm hiểu về sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư của các nước tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng như lắng nghe những mong muốn của đối tác Việt Nam để quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam như việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Hồ Tràm, cho phép Quỹ đầu tư Warburg Pincus tham gia vào dự án cùng với Quỹ Harbinger; cho phép Tập đoàn AES tham gia đầu tư vào tổ hợp Nhà máy điện khí LNG và kho khí LNG tại Sơn Mỹ (Bình Thuận)…

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, thu hút các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam tập trung vào ba hướng chính, bao gồm cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các điều kiện an sinh xã hội; phát triển nền kinh tế theo hướng số hóa với các ngành mũi nhọn quốc gia như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, logistics, công nghệ phụ trợ…

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang rất quan tâm tới việc thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục