Việt Nam với cương vị Chủ tịch của AEC năm 2010

Năm 2010, với vai trò Chủ tịch AEC, Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc trụ cột kinh tế tổ chức nhiều sự kiện quan trọng.
Việt Nam đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2010.

Nhân dịp đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có thông điệp về vai trò của Việt Nam với cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nói riêng.

Thông điệp nêu rõ, từ ngày 1/1/2010, Việt Nam đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong một năm, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã tham gia ngày một tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của khu vực, góp phần vào những thành công của ASEAN vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, năng động và chia sẻ.

ASEAN ngày nay là một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, đóng góp vai trò chủ chốt trong các vấn đề khu vực, quốc tế, đồng thời là đối tác đáng tin cậy của nhiều quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới.

ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với 3 trụ cột là Cộng đồng an ninh-chính trị, Cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN.

Năm 2010, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc trụ cột kinh tế tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hội nghị cấp Bộ trưởng, cấp quan chức kinh tế và nhiều hoạt động liên quan khác trong khuôn khổ ASEAN 2010.

Đây là niềm vinh dự đồng thời cũng là một trọng trách của Việt Nam, tiếp tục đưa tiến trình hợp tác ASEAN đạt những thành công mới, hướng tới mục tiêu Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là tạo nên một thị trường chung, một nền tảng sản xuất thống nhất của khu vực; trong đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề sẽ được lưu chuyển thuận lợi, tạo động lực mạnh mẽ nhằm làm thay đổi cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng như các nước ASEAN theo hướng liên kết và hiệu quả hơn.

Quyết tâm đó của ASEAN đã được thể hiện rõ nét và đầy đủ trong Kế hoạch tổng thể và Lộ trình chiến lược thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Năm 2010 sẽ là năm diễn ra nhiều cột mốc quan trọng trong lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. ASEAN cơ bản sẽ hoàn thành xóa bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan và phi quan thuế.

Trên 99% mặt hàng của ASEAN sẽ được thực hiện cắt giảm thuế tiến tới xoá bỏ hoàn toàn thuế quan, trong đó, trên 97% số mặt hàng sẽ có thuế suất từ 0-5%.

Các biện pháp liên kết khu vực trong 12 lĩnh vực ưu tiên của ASEAN như dệt may, cao su, giầy dép, công nghiệp chế tạo ô tô, nông nghiệp, thủy sản,công nghệ thông tin, du lịch... sẽ hoàn tất và phát huy cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tăng cường liên kết ngành.

Cũng trong năm nay, ASEAN bắt đầu thực thi nhiều thỏa thuận quan trọng như Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định về khu vực đầu tư toàn diện ASEAN và Gói cam kết thứ 7 về tự do hóa thương mại dịch vụ. Đây là những nền tảng vững chắc cho liên kết kinh tế của ASEAN trong những năm sắp tới.

Trong năm 2010, ASEAN đặt trọng tâm vào nội dung thuận lợi hóa thương mại và xây dựng cơ chế quản lý thương mại thống nhất. Việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã hoàn tất theo các thỏa thuận CEPT/AFTA và ATIGA là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Một thị trường chung ASEAN được coi là được thiết lập khi các thủ tục, quy tắc thương mại giữa các nước phải mang tính đồng bộ cao. Điều đó đặt ra đòi hỏi triển khai quyết liệt Chương trình thuận lợi hóa thương mại, hiện thực hóa sớm mục tiêu xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN và khuyến khích xây dựng hệ thống logistics hiện đại, liên kết giữa các nước thành viên trong khu vực.

Chặng đường liên kết khu vực không phải không có những thách thức. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, sự khác biệt về ưu tiên trong chính sách của các nước thành viên ASEAN sẽ liên tục đặt ra yêu cầu phối hợp cũng như các nỗ lực của từng thành viên ASEAN.

Năm 2010, ASEAN dường như đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng vẫn còn nguyên giá trị. Đây là thời điểm mà ASEAN cần chia sẻ những quan điểm và xây dựng cho mình một mô hình phù hợp với các biện pháp khả thi để bảo đảm việc phát triển bền vững và cân bằng, gắn với lợi ích xã hội và môi trường.

Quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN luôn gắn liền với sự vận động của nền kinh tế thế giới. Do đó, ASEAN luôn coi trọng mở rộng hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. ASEAN đã có quan hệ đối thoại chính thức với 12 nước đối tác lớn, trong đó 6 đối tác đã thiết lập Khu vực thương mại tự do với ASEAN bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Các đối tác như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga đang tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ với ASEAN. ASEAN hiện đang nghiên cứu việc thiết lập khu vực thương mại tự do với các nước Đông Á trong khuôn khổ ASEAN+3 và ASEAN+6. Nhiều đối tác trên thế giới cũng đang xem ASEAN như một đối tác FTA đầy tiềm năng.

Sự liên kết giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài phản ánh cấu trúc kinh tế tự nhiên của ASEAN nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến quyết tâm của ASEAN bảo đảm vai trò trung tâm của mình trong các liên kết kinh tế với các đối tác ngoài khối. ASEAN đã và đang làm tốt vai trò này vì lợi ích lâu dài của cộng đồng.

Năm 2010, với vai trò chủ tịch của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng ASEAN đạt được những thành công mới trong chặng đường hướng về một Cộng đồng thịnh vượng, hòa bình, ổn định và liên tục phát triển. Tôi rất mong các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các nước đối tác và bạn bè quốc tế tích cực hỗ trợ Việt Nam đảm đương vai trò của mình trong năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục