Việt Nam vượt Singapore để dẫn đầu thị trường IPO Đông Nam Á

Dữ liệu từ công ty tư vấn Ernst and Young cho biết trong năm 2018, Việt Nam có năm vụ IPO huy động tổng cộng 2,6 tỷ USD, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam vượt Singapore để dẫn đầu thị trường IPO Đông Nam Á ảnh 1Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty bất động sản Vinhomes là vụ IPO lớn nhất khu vực năm nay. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Việt Nam đã vượt Singapore, một trung tâm tài chính hàng đầu, về tổng giá trị các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2018 để trở thành thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Ernst and Young (EY) cho biết trong năm 2018, Việt Nam có năm vụ IPO huy động tổng cộng 2,6 tỷ USD, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, lớn nhất là vụ phát hành cổ phiếu mang về 1,35 tỷ USD của công ty bất động sản Vinhomes. Đây cũng là vụ IPO lớn nhất khu vực năm nay.

Trong khi đó, Singapore từ vị trí dẫn đầu năm 2017 đã tụt xuống vị trí thứ 4 sau một năm chỉ huy động tổng cộng khoảng 500 triệu USD qua 13 vụ IPO.

Thái Lan vươn lên đứng thứ 2 sau khi huy động 2,5 tỷ USD từ các vụ IPO và Indonesia đứng thứ 3 với 1,2 tỷ USD.

[Forbes: Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á]

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân khiến thị trường IPO khởi sắc tại Việt Nam xuất phát từ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước.

Trong năm 2018, năm vụ IPO lớn nhất của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn dầu lửa PetroVietnam, Tập đoàn cao su Việt Nam và Tổng công ty lương thực Miền Nam Việt Nam, đã mang về hơn 821 triệu USD. Với đà cổ phần hóa này, Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục đứng đầu danh sách thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á trong vòng ba năm tới đây.

Việt Nam là một trong những cái tên hiếm hoi chứng kiến tăng trưởng trên thị trường IPO khá ảm đạm toàn cầu. Trong nửa sau của năm 2018, chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị và biến động chính trị đã ảnh hưởng bất lợi đến niềm tin kinh tế, dẫn tới việc trì hoãn nhiều kế hoạch niêm yết của nhiều công ty.

Có tổng cộng khoảng 1.359 vụ IPO trên toàn cầu trong năm 2018, giảm 21% so với năm 2017. Tuy nhiên, tổng giá trị lại tăng 6% lên tới 204,8 tỷ USD nhờ lực đẩy từ một số vụ phát hành "khủng" như vụ IPO trị giá 21,1 tỷ USD của ngân hàng Nhật Bản Softbank hay vụ IPO 5,7 tỷ USD của tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Tower./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục