Việt Nam: Xây dựng mô hình công nghiệp hóa hiện đại

Theo Ban Kinh tế Trung ương, cần tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp tự động... với sự huy động các nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế.

Ngày 25/3, Nhóm Kinh tế thuộcBan Chỉ đạo Tổng kết 30 năm đổi mới đã phối hợp Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận- thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”.

Chủ trì hội thảo, có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướngChính phủ, Trưởng Nhóm Kinh tế; ông Vương Ðình Huệ, Ủy viên Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Nhóm Kinh tế và các đồng chí lãnh đạo tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại những cơ hội to lớn trong phát triển nhưng cũng xen vào đó là những thách thức không nhỏ.

“Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước,” Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều bất cập, như mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được định hình rõ nét, chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan toả, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhận diện, quá trình thực hiện công nghiệp hóa trong thời gian qua còn chưa gắn chặt với hiện đại hóa, phát triển công nghiệp vẫn chỉ là gia công, lắp ráp, giá trị thấp. Các chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn triển khai còn chậm, chưa thật hiệu quả và rõ hướng. Bên cạnh đó, môi trường thể chế còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là điểm nghẽn. Đây là những nút thắt đang cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Thêm vào đó, nguồn lực đầu tư để thực hiện công nghiệp hóa có nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, manh mún, không khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế do quy hoạch không hợp lý hoặc duy ý chí nên không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng. Điều đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà kinh nghiệm của nhiều nước đi trước đang gặp phải,” Phó Thủ tướng nói.

Nội dung Phó Thủ tướng đề cập đã được các đại biểu thảo luận trao đổi đồng thời đưa ra các ý kiến, đề xuất các giải pháp, mô hình cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng tham gia thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với quy mô và sự phát triển kinh tế của từng địa phương, vùng miền như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang...

Tham gia tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày tham luận “Công nghiệp hóa hiện đại, bước chuyển quan trọng đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp.

Qua đó ông Đương đã đề xuất các nhóm nội dung: Xây dựng mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại. Tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết, đó là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp tự động. Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn với sự huy động các nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế.

Để các sản phẩm chủ lực tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cần phải định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh, ông Đương kiến nghị: Chính phủ cần có yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm, xuất xứ có lợi thế cạnh tranh đồng thời xây dựng và đăng ký sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường tính kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục