Việt Nam-Australia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Việt Nam-Australia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ảnh 1Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Karen Andrews ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 16/3, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

[Việt Nam-Australia ký Tuyên bố chung về lập quan hệ Đối tác Chiến lược]

Mục tiêu của Bản ghi nhớ này là nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác giữa các bên thông qua các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hợp tác được thực hiện theo nguyên tắc: Tăng cường hợp tác liên chính phủ thông qua tham vấn giữa hai bên nhằm thực hiện các hoạt động hai bên cùng quan tâm, bao gồm các hoạt động trên các diễn đàn đa phương; chia sẻ kiến thức và kỹ năng thông qua các cuộc trao đổi như các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chuyên đề và các hình thức hợp tác khác giữa các cơ sở liên quan.

Bản ghi nhớ đưa ra 4 lĩnh vực hợp tác cụ thể gồm: Chính sách, quản trị và kiểm định chất lượng; tăng cường đội ngũ nhân sự, giáo trình có chất lượng; hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giao lưu, trao đổi sinh viên, giáo viên, chương trình đào tạo…

Phát biểu tại buổi làm việc song phương giữa hai Bộ trưởng, Bộ trưởng Karen Andrews khẳng định Việt Nam đang trở thành một đối tác ngày càng quan trọng với Australia trong hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Các ưu tiên của Việt Nam phù hợp với thế mạnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và và đào tạo đẳng cấp thế giới của Australia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với Việt Nam trong thời gian qua, và mong rằng sự hợp tác đó sẽ ngày càng phát triển. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để có được nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với thế giới thì hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, có nền giáo dục nghề nghiệp tốt là hoạt động quan trọng.

Việt Nam-Australia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ảnh 2Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tập trung vào 4 lĩnh vực. (Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức khác nhau và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chương trình hợp tác chuyển giao 12 bộ chương trình giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Học viện Chisholm tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Thông qua chương trình hợp tác này, phía Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, ngoại ngữ... tại Australia.

Đến nay, 25 trường cao đẳng của Việt Nam đã được Học viện Chisholm công nhận đủ tiêu chuẩn về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống quản trị... cho phép đào tạo trên 800 sinh viên, chia thành 41 lớp học theo tiêu chuẩn của Australia. Số sinh viên này khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng của Australia và bằng cao đẳng của Việt Nam.

Chương trình Australia cùng Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực (Chương trình Aus4Skills) là chương trình của Chính phủ Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững của Việt Nam.

Thực hiện Chương trình này Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam, tổ chức các khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng về phát triển chương trình đào tạo dựa trên năng lực thực hiện cho năm nghề bao gồm: Nhân viên kho hàng, giám sát kho hàng, nhân viên logistics, giao nhận hàng hóa và xếp dỡ hàng tổng hợp.

Bản ghi nhớ được ký giữa hai Bộ trưởng lần này sẽ là cơ sở pháp lý mới, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục