Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp mới

Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng tin tưởng qua sự hợp tác tích cực trên lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp mới, cả hai nước sẽ đều đạt được sự thịnh vượng trong tương lai.
Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp mới ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 25/4, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hợp tác Việt-Hàn nhằm tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp mới trong tương lai.

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Hiện trạng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam và triển vọng hợp tác Việt-Hàn; sự biến đổi của nông nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hệ thống trang trại thông minh (Smart farm) và Vũ trụ ảo (Metaverse) thay đổi tương lai nông nghiệp châu Á; nhà máy thông minh Samsung - Ví dụ điển hình về hợp tác Việt-Hàn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng Kang Boo Sung cho hay, hoạt động này với mục đích chia sẻ tầm nhìn hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong hoạt động gắn kết ngành công nghiệp với kỹ thuật mới trong tương lai.

Theo Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, kỹ thuật tương lai mang tính đổi mới, đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tồn tại. Những thứ như Internet vạn vật, robot, hiện thực giả tưởng, trí tuệ nhân tạo... giờ không còn là những kỹ thuật nằm trong trí tưởng tượng của con người.

[Việt Nam-Hàn Quốc kết nối công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo]

Đó là công nghệ trong thế giới thực, đòi hỏi sự đổi mới trong toàn ngành công nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, cũng như các chuẩn mực và giá trị quan của nhân loại. Vì sự thịnh vượng trong tương lai, cả Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ cần phản ứng nhanh với sự thay đổi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tới, mà còn phải chủ động đón đầu với sự thay đổi đó.

Ông Kang Boo Sung cho rằng biến đổi khí hậu đang làm cho sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhanh hơn. Do đó, con người cần phải thoát ra khỏi phương thức sản xuất vốn có, hướng tới ngành nông nghiệp thân thiện với môi trường thông qua việc gắn kết với kỹ thuật sản xuất mới.

Hình thái tương lai của ngành nông nghiệp không còn là ruộng vườn truyền thống mà đã tới thời đại quản lý trồng trọt và thu hoạch một cách tiện lợi, bền vững tại các nông trại thông minh.

Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp mới ảnh 2Chuyên gia Hàn Quốc thuyết trình về sự biến đổi của nông nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng nhất trên hầu hết các lĩnh vực trong 30 năm qua, đồng thời tin tưởng, qua sự hợp tác tích cực trên lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp mới, cả hai nước sẽ đều đạt được sự thịnh vượng trong tương lai.

Nêu lên thực trạng phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, toàn quốc có 50 trường Đại học đào tạo chuyên ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo; hội nghị về trí tuệ nhân tạo thường xuyên được quan tâm, tổ chức. Việt Nam đang hình thành liên minh hợp tác và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nhân lực ICT của Việt Nam có gần 970.000 người (trong đó nhân lực công nghệ thông tin gần 180.000 người); có khoảng 1.600 cán bộ nghiên cứu trong lực vực trí tuệ nhân tạo (khoảng 300 chuyên gia).

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đạt một số kết quả nhất định: Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội được nâng cao; đã quan tâm xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thiện tạo nền tảng cho Chính phủ số; trung tâm dữ liệu lớn được hình thành; Cổng dịch vụ quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng nâng cao...

Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo ở khu vực và thế giới; chưa có trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia về trí tuệ nhân tạo; hệ thống dữ liệu mở còn hạn chế...

Về hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc trong chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hai bên cùng nhau chia sẻ thông tin, hiện trạng, kinh nghiệm để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; tăng cường hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp, phối hợp phát triển nguồn nhân lực ở hai quốc gia liên quan đến cuộc cách mạng này; hình thành, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ chủ chốt giữa các tổ chức; trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, doanh nghiệp, sinh viên.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục