Việt Nam-Italy đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực pháp luật và tư pháp

Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Italy tại thủ đô Rome, Italy. về việc tăng cường hợp tác lĩnh vực pháp luật, tư pháp giữa hai bên.
Việt Nam-Italy đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực pháp luật và tư pháp ảnh 1Bộ trưởng Tư pháp Italy Andrea Orlando (giữa) bắt tay Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường trong cuộc gặp sáng 9/7. (Ảnh: Anh Ngọc/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Italy từ ngày 8-11/07, sáng 9/7, Đoàn công tác liên ngành (Ủy ban tư pháp Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu đã hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Italy tại thủ đô Rome, Italy.

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Italy Andrea Orlando cho rằng, quan hệ Việt Nam và Italy đã có những bước tiến quan trọng. Sau khi hai nước nâng quan hệ hợp tác song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, phía Italy đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2020, trong đó có nội dung tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp.

Bộ trưởng Andrea Orlando hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết và nội dung cơ bản của dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, dự thảo bản ghi phải lấy ý kiến của các Bộ liên quan trước khi ký chính thức, vì vậy việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện trong một dịp gần nhất. Nhân dịp này, Bộ trưởng Andrea Orlando cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ Italy ứng cử trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về phần mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Andrea về quan hệ giữa hai nước nói chung và quan hệ trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Bộ trưởng nhấn mạnh Italy là đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, nhưng quan hệ pháp luật và tư pháp đã được hai Bộ Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện trong những năm gần đây, trong đó có lĩnh vực nuôi con nuôi cũng như trao đổi một số đoàn ở cấp chuyên viên hoặc Thứ trưởng.

Thông tin về tình hình Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giới thiệu về công cuộc đổi mới của Việt Nam trong gần 30 năm, quá trình thực hiện cải cách pháp luật và tư pháp trong 15 năm qua, đặc biệt có sự chuyển biến căn bản từ đầu năm 2013 đến nay với việc Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua.

Nội dung của Hiến pháp năm 2013 được xây dựng trên 3 trụ cột chính, đó là xây dựng thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và ghi nhận các quyền cơ bản của công dân, quyền con người. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có trách nhiệm thể chế hóa đầy đủ các quy định được nêu trong Hiến pháp mới năm 2013.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chính thức đề nghị hai Bộ sớm tiến hành đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự nhằm góp phần bảo hộ công dân, nhà đầu tư của mỗi nước, đồng thời triển khai hiệu quả nghĩa vụ thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế mà cả hai nước đều là thành viên.

Bộ trưởng Andrea Orlando đã đồng ý đề xuất này và hai bên thống nhất giao cho các đơn vị chức năng của mỗi nước sớm tiến hành đàm phán dự thảo Hiệp định này.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chính thức mời Bộ trưởng Andrea Orlando thăm chính thức Việt Nam để góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp giữa hai nước, trong đó có việc ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ. Bộ trưởng Andrea Orlando đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Sau buổi hội đàm, hai bên đã tiến hành tọa đàm bàn tròn về các vấn đề chuyên môn với sự tham gia của 4 Tổng vụ trưởng Bộ Tư pháp Italy. Nội dung tập trung vào công tác tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp mỗi nước, về kinh nghiệm cải cách tư pháp, về mô hình đào tạo các chức danh tư pháp và về kinh nghiệm quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đoàn tiếp tục làm việc với Ủy ban pháp luật Thượng nghị viện

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác liên ngành đã làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Thượng viện Italy. Trước đó, ngày 8/7, Đoàn công tác liên ngành đã làm việc với Chánh án và Tổng Công tố Tòa án tối cao, Chủ tịch học viện đào tạo Thẩm phán cao cấp Italy.

Ngày 10/7, Đoàn công tác liên ngành tiếp tục làm việc với Hội đồng tư pháp tối cao, Hội đồng công chứng quốc gia, Viện Nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT) và Tổ chức quốc tế về pháp triển luật Italy (IDLO)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục