Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý ngân sách Nhà nước

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng làm việc với Phó Thủ tướng Lào Bunpon Búttạnạvông về công tác quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.
Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý ngân sách Nhà nước ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Lào Bunpon Búttạnạvông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 6/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với ông Bunpon Búttạnạvông, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào, về công tác quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bunpon Búttạnạvông cho biết Lào đã có nhiều cố gắng trong quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Do vậy, Phó Thủ tướng Lào đề nghị Bộ tài chính Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước, biện pháp giải quyết nợ, công tác chuyển đổi tài sản thành vốn, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong cán bộ ngành tài chính…

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tình hình tài chính Việt Nam và Lào có nhiều điểm tương đồng sẽ tạo thuận lợi trong việc trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý tài chính ngân sách Nhà nước, đặc biệt là những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chống thất thu ngân sách. Điều này góp phần duy trì và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm về quản lý tài chính ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước cần có các biện pháp đồng bộ triển khai một cách quyết liệt. Bộ trưởng cho biết chưa năm nào tình hình thu ngân sách nhà nước của Việt Nam khó khăn như năm 2013. Tuy nhiên, đến cuối năm đó, thu ngân sách vẫn vượt 0,7% so với kế hoạch.

Lý giải về thành tích này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác thu. Bộ Tài chính đã tập trung thu thêm cổ tức của các công ty cổ phần có vốn nước ngoài, phần lợi nhuận sau thuế của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, thu các khoản phát sinh sau như chênh lệch trái phiếu Chính phủ, phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông mà trong dự toán ban đầu không có.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, toàn ngành tài chính đã phối hợp với các ngành, địa phương tập trung quyết liệt vào thanh tra, kiểm tra để chống thất thu và thu hồi nợ đọng. Hai ngành thuế và hải quan đã tập trung triển khai chương trình cải cách, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và thương mại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, từ đó đảm bảo thực hiện mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời..

Cũng tại buổi làm việc, ngành tài chính hai nước đã trao đổi thêm về một số vấn đề khác như biện pháp giải quyết nợ, chuyển đổi tài sản thành vốn; quản lý tài chính ngành dọc theo hướng hiện đại; quản lý tài chính ba đơn vị Thuế, hải quan, Kho bạc, quản lý và phát hành thị trường trái phiếu Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục