Việt Nam-Liên hợp quốc tăng cường quan hệ và hợp tác nhiều mặt

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đến nay, quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Việt Nam-Liên hợp quốc tăng cường quan hệ và hợp tác nhiều mặt ảnh 1Lễ ký kết Thư thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và UNODC về thực hiện chương trình kiểm soát container. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-moon và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-23/5.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 2007.

Liên hợp quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945. Đến nay, Liên hợp quốc đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như tất cả các quốc gia độc lập trên thế giới.

Liên hợp quốc mở rộng vai trò và hoạt động của mình về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và mỗi quốc gia.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện với 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế-xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Năm 2015 là năm có nhiều dấu mốc và hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc, nhất là kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, hoàn thiện các Chương trình Nghị sự Phát triển sau 2015 và cố gắng đạt được một thỏa thuận quốc tế mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào cuối năm 2015.

Liên hợp quốc được mong đợi sẽ phát huy vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đồng thời các nước cũng mong muốn Liên hợp quốc sẽ cải tổ hoạt động của mình theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn lợi ích của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Liên hợp quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao.

Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế... đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đến nay, quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lãnh đạo Liên hợp quốc thường xuyên có các tiếp xúc nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác.

Hiện Việt Nam và Liên hợp quốc đang tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã chủ động và đóng góp thiết thực vào hoạt động của Liên hợp quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đã đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đang đảm nhiệm tốt vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các sáng kiến về cải tổ Liên hợp quốc, Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc.

Ngôi nhà chung Liên hợp quốc tại Việt Nam là Ngôi nhà chung đầu tiên của Liên hợp quốc trên thế giới. Chính là đóng góp cụ thể, nổi bật của Việt Nam vào công cuộc cải tổ Liên hợp quốc.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc và hợp tác nhiều mặt với Liên hợp quốc; thúc đẩy các vấn đề hai bên cùng quan tâm; nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của Liên hợp quốc nhằm triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chương trình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục