Việt Nam-Malta ký ghi nhớ thủ tục hành chính về con nuôi quốc tế

Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Gia đình và Thống nhất xã hội Malta đã ký Bản ghi nhớ áp dụng thủ tục hành chính trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.
Việt Nam-Malta ký ghi nhớ thủ tục hành chính về con nuôi quốc tế ảnh 1Bà Nguyễn Thị Hảo, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp Việt Nam) và bà Carmen Buttigieg, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn phúc lợi xã hội, Bộ Gia đình và Đoàn kết Xã hội (Cộng hòa Malta) trao đổi Bản ghi nhớ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện Lộ trình hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế với các nước thành viên Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế năm 1993, Đoàn đại biểu Bộ Gia đình và Thống nhất xã hội Malta do ngài Michael Farrugia dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25-28/6/2015.

Ngày 27/6, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Gia đình và Thống nhất xã hội Malta đã ký kết Bản ghi nhớ về việc áp dụng các thủ tục hành chính trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Qua đó mong muốn việc áp dụng các thủ tục hành chính sẽ đảm bảo việc cho và nhận trẻ em làm con nuôi quốc tế được thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ em và bảo đảm phúc lợi cho trẻ em được nhận làm con nuôi.

Bản ghi nhớ nêu rõ việc giao trẻ em cho người nhận nuôi tương lai chỉ được tiến hành sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định của Điều 17 của Công ước La Haye.

Cụ thể là việc bàn giao trẻ em sẽ chỉ diễn ra sau khi Cơ quan Trung ương của Nước gốc nhận được văn bản đồng ý của Cơ quan Trung ương của Nước nhận về việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi và khẳng định trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước nhận.

Giấy chứng nhận theo Khoản 1, Điều 23 của Công ước La Haye về việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi đã được thực hiện theo đúng quy định của Công ước La Haye sẽ do Cơ quan Trung ương của Nước nơi giải quyết việc cho nhận con nuôi lập và cấp.

Giấy chứng nhận này được lập theo mẫu do pháp luật của Nước đó quy định, phù hợp với mẫu khuyến nghị. Không được chi trả bất kỳ một khoản tiền hay một khoản bồi thường nào khác liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế giữa Malta và Việt Nam, trừ những khoản được phép theo quy định của Công ước La Haye, pháp luật của Việt Nam và pháp luật của Malta và đã được Cơ quan Trung ương của Việt Nam và Cơ quan Trung ương của Malta chấp thuận rõ ràng từ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục