Việt Trì trên con đường trở thành Thành phố lễ hội về cội nguồn

Là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền thời đại các Vua Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố lễ hội về cội nguồn.
Việt Trì trên con đường trở thành Thành phố lễ hội về cội nguồn ảnh 1Nhân dân cùng du khách thập phương về dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp và hiện đại là mục tiêu của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đề ra trong thời gian tới.

Vùng đất cổ giàu tiềm năng

Phú Thọ là nơi đặt kinh đô đầu tiên của Việt Nam, có lịch sử gắn liền với sự hình thành Nhà nước Văn Lang - cội nguồn của dân tộc. ​Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở Phú Thọ là một không gian văn hóa "có một không hai," vô cùng thiêng liêng của người Việt Nam

Hàng năm, khu di tích Đền Hùng đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dâng hương. Đặc biệt, Tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn khấp.

Việt Trì là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền thời đại các Vua Hùng và công cuộc giữ gìn, bảo vệ, xây dựng đất nước, với hàng trăm lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ.

Đây là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, từ thời đại Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.

Bên cạnh đó, Việt Trì còn là vùng đất có nhiều tiềm năng về đất đai, lao động, du lịch, cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư khá hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, du lịch…

Việt Trì còn được xác định là 1 trong 12 đô thị cấp vùng của cả nước và được Chính phủ xác định là trung tâm kinh tế vùng, có vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong chiến lược phát triển của tỉnh và vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Theo các nhà nghiên cứu, với tiềm năng to lớn về lịch sử, văn hóa và nhiều lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, Việt Trì có đủ điều kiện để xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Thành phố đã tiến hành Quy hoạch xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quy hoạch, toàn bộ không gian, kiến trúc, hạ tầng đô thị của Thành phố lễ hội sẽ được mở rộng phát triển theo hướng hiện đại, khang trang, xanh, sạch, đẹp; trong đó các trung tâm lễ hội lớn như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương, các trung tâm hành chính của tỉnh sẽ được đầu tư mở rộng.

Nhiều khu lễ hội khác như Bến Gót-Bạch Hạc, Đàm Mai, Minh Phương, Thanh Đình, Phương Lâu sẽ được đầu tư tạo thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí phục vụ cư dân thành phố và tổ chức phục vụ các lễ hội truyền thống.

Nhiều lễ hội tại phường, xã cũng sẽ được khôi phục, thu hút khách du lịch tới đây tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa bản địa như xem hát Xoan ghẹo của An Thái, Kim Đức; hát Nhà Tơ ở Tam Giang, Bạch Hạc.

Tuy nhiên, để đưa thành phố Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam vào năm 2020, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch chậm, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò trung tâm; kết cấu hạ tầng còn thấp, các công trình công cộng quy mô lớn, hiện đại còn ít; hiện trạng không gian chưa đáp ứng yêu cầu của Thành phố lễ hội; đồng thời các loại hình dịch vụ phát triển chưa phong phú, sản phẩm văn hóa chưa có tính chuyên nghiệp, chưa hình thành được các tour, tuyến du lịch, việc lưu giữ khách ở lại lưu trú còn hạn chế…

Huy động mọi nguồn lực

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì, Lê Hồng Vân cho biết để khắc phục tồn tại và khó khăn, thành phố đang tập trung thu hút mọi nguồn lực xây dựng thành phố theo quy hoạch; thu hút các chuyên gia giỏi, lao động có tay nghề cao từ bên ngoài làm việc tại Việt Trì; tăng cường hợp tác quảng bá hình ảnh lễ hội trong nước và quốc tế.

Trước mắt trong giai đoạn 2015-2020, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa.

Thành phố đang tập trung đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư như đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công-tư và hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020, thành phố thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 33.000-34.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, thông tin truyền thông... để phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng du lịch và không gian kiến trúc cảnh quan.

Thành phố ưu tiên xây dựng mới và tải tạo các tuyến đường nội, ngoại thành phố, hình thành hệ thống đường vành đai, các trục chính, trục ngang trong đô thị và hạ tầng các dự án du lịch trọng điểm như Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng, Khu du lịch Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương.

Cùng với đó, Việt Trì sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy tối đa lợi thế du lịch tâm linh hướng về cội nguồn và du lịch gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp có lợi thế và ngành công nghiệp truyền thông có sức cạnh tranh; đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển mô hình hợp tác theo hướng nông nghiệp cận đô thị với công nghệ cao gắn với phát triển nhanh hệ thống thương mại-dịch vụ, hình thành chợ đầu mối; trung tâm bán buôn và một số siêu thị chất lượng cao; đồng thời mở rộng quy mô, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Những năm gần đây, diện mạo thành phố Việt Trì có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại hơn. Nhiều công trình mới được xây dựng góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng thành phố đẹp, hiện đại. Các tuyến đường giao thông nội thành, các tuyến quốc lộ, cầu và đường đối ngoại được đầu tư xây dựng như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang...

Kinh tế-xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ qua giữ được mức tăng trưởng hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, giá trị tăng thêm bình quân đạt 5,71%/năm; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá, giữ vững vai trò chủ lực và quyết định đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Với thành tựu đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền thành phố, mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt kế hoạch và thành phố Việt Trì sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục