Việt-Bỉ nhất trí thúc đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yves Leterme cho rằng cần phát triển thế mạnh của mỗi nước để thúc đẩy mạnh hợp tác đầu tư.
Bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2010 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 29/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Vương quốc Bỉ Yves Leterme nhằm trao đổi những biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển.

Hai thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư đạt được những kết quả đáng kích lệ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Trong năm 2009, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, song kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt khoảng 1,1 tỷ USD (năm 2008 đạt 1,3 tỷ USD). Tuy nhiên, hai thủ tướng cho rằng đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên, do vậy cần phát triển thế mạnh của mỗi nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ trên lĩnh vực này.

Hai nhà lãnh đạo nhấn trí cho rằng trên cơ sở quan hệ hợp tác tốt đẹp, hai nước sẽ phối hợp tốt, đảm bảo thành công Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM 8) vào tháng 10/2010, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2010 và Bỉ sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2010.

Cảm ơn Vương quốc Bỉ ưu tiên Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận viện trợ phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả các dự án Bỉ tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ông mong muốn hai nước sớm triển khai đàm phán Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn sau 2010 để ký kết nhân cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Bỉ về Hợp tác phát triển lần thứ VI trong năm 2010.

Bên cạnh đó, hai nước sớm rà soát các lĩnh vực hoạt động để tiến tới thành lập Ủy ban liên Chính phủ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Thủ tướng Yves Leterme khẳng định Chính phủ Bỉ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới và mở rộng quan hệ với EU và các nước thành viên.

Thủ tướng Yves Leterme cam kết Chính phủ Bỉ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước này tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch của EU 6 tháng cuối năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn nhận được sự ủng hộ tích cực của Thủ tướng Yves Leterme đẩy nhanh quá trình ký kết Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, nâng quan hệ với EU lên một tầng cao mới, qua đó sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Bỉ, một thành viên rất tích cực của EU.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi các biện pháp thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Lý Khắc Cường nhất trí tiếp tục phối hợp tổ chức thật tốt các hoạt động tiếp theo của Năm Hữu nghị Việt-Trung 2010 như đã thỏa thuận; tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương, giao lưu hữu nghị nhân dân, đặc biệt giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hai bên nhất trí cần sớm ký kết Bản Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế, thương mại Việt-Trung; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng trong “Hai hành lang, một vành đai”, cố gắng thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 25 tỷ USD vào năm 2010 theo hướng từng bước cân bằng và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Lý Khắc Cường khẳng định, Việt Nam là nước láng giềng hữu nghị và là đối tác quan trọng của Trung Quốc. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam.

Hai bên bày tỏ tin tưởng vấn đề trên biển sẽ từng bước được giải quyết phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục