Việt-Đức hợp tác nghiên cứu sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu tái tạo

Việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa GICON và Viện Dầu khí Việt Nam là minh chứng rõ nét cho thấy sự hợp tác ở các cấp độ giữa Đức và Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bất chấp đại dịch.
Việt-Đức hợp tác nghiên cứu sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu tái tạo ảnh 1Lễ ký kết trực tuyến thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn GICON của Đức và Viện Nghiên cứu dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 29/3, Tập đoàn tư vấn và giải pháp công nghệ GICON của Đức và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai bên nhằm nghiên cứu dự án thí điểm sử dụng công nghệ mới để sản xuất hydro và điện từ các nguồn tái tạo nhằm thử nghiệm trong các điều kiện tại Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại lễ ký kết được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa GICON và Viện Nghiên cứu dầu khí Việt Nam là minh chứng rõ nét cho thấy sự hợp tác ở các cấp độ giữa Đức và Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy với nhiều hình thức khác nhau, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đại sứ, năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 5 tại châu Á trong khi Đức duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 13,2 tỷ euro.

Đại sứ nhấn mạnh từ hơn 10 năm nay, hợp tác về năng lượng nói chung và năng lượng mới, năng lượng tái tạo nói riêng tiếp tục là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước.

Đức hiện là một trong số nước tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng cho Việt Nam và đang có nhiều công ty Đức tham gia đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt về năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và sinh khối, cũng như phát triển lưới điện thông minh.

[EVN có thể cắt giảm công suất điện gió ở mức cao do thừa điện]

Đại sứ nêu rõ Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.

Đại sứ bày tỏ hy vọng với bản ghi nhớ được ký kết, hai bên sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng và triển khai các hoạt động, dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Về phần mình, Chủ tịch Tập đoàn GICON, Giáo sư, Tiến sỹ Jochen Großmann bày tỏ vui mừng về sự đóng góp của tập đoàn vào sự thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp hàng chục năm qua giữa hai nước Đức và Việt Nam, tin tưởng với kinh nghiệm sẵn có, hai bên sẽ có những đóng góp thiết thực trong việc tạo ra nguồn năng lượng mới, hiệu quả cũng như đóng góp vào cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Ông cũng bày tỏ mong muốn hai bên nhanh chóng thành lập tổ công tác để từng bước cụ thể hóa biên bản đã ký nhằm đạt được những kết quả tốt đẹp trong quá trình hợp tác.

Việt-Đức hợp tác nghiên cứu sản xuất điện từ nguồn nhiên liệu tái tạo ảnh 2Đại sứ Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại lễ ký kết. (Ảnh: Mạnh Hùng /TTXVN)

Tại lễ ký, ông Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh về những thế mạnh của Việt Nam với nguồn sinh khối dồi dào từ hệ thống nông nghiệp cũng như nguồn năng lượng tái tạo như gió và Mặt trời, hy vọng rằng việc ký biên bản ghi nhớ là sự khởi đầu cho sự hợp tác sâu sắc, hiệu quả giữa hai bên.

Theo bản ghi nhớ hợp tác, hai bên sẽ chia sẻ các sứ mệnh, nhiệm vụ, trách nhiệm và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm để nâng cao hiệu quả trong các nỗ lực phát triển.

Hai bên cùng xác định các lĩnh vực và hình thức hợp tác tiềm năng, bao gồm việc lựa chọn, phát triển và kỹ thuật công nghệ. Cụ thể là áp dụng công nghệ mới để sản xuất hydro và điện từ các nguồn tái tạo đã được phát triển ở quy mô thí điểm/trình diễn/thương mại sau đó thử nghiệm trong các điều kiện tại Việt Nam.

Đề xuất đầu tiên cho hợp tác là nguồn năng lượng gió ngoài khơi được sử dụng để sản xuất hydro từ quá trình điện phân nước biển. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ hợp tác trong đào tạo, trao đổi dữ liệu/thông tin, sử dụng dịch vụ hoặc thuê chuyên gia của các bên trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và dự án dịch vụ tư vấn về quản lý năng lượng; công nghệ hydro, điện từ các nguồn tái tạo và khí sinh học cũng như nghiên cứu đa dạng sinh học và độc chất môi trường.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức-Việt e.V. (DVIW) cùng nhiều chuyên gia hai bên đã giúp kết nối cho sự hợp tác nêu trên giữa GICON và VPI.

Tập đoàn GICON gồm 11 công ty thành viên, chuyên cung cấp các dịch vụ, tư vấn giải pháp, đánh giá và phát triển dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ môi trường và hệ sinh thái, công nghệ năng lượng, công nghệ hóa học và công nghệ thông tin môi trường.

GICON hiện có khoảng gần 500 nhân viên, có trụ sở chính tại thành phố Dresden và đại diện tại nhiều thành phố lớn của Đức cũng như nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục