Vietinbank: Không có khuất tất ở dự án Ciputra

Lãnh đạo Vietinbank khẳng định ngân hàng đã làm theo đúng quy trình, thủ tục và luôn minh bạch hóa các thông tin về dự án.
Năm 2009 vừa qua là năm Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đầu tiên hoạt động theo mô hình mới và đã đạt những kết quả kinh doanh khả quan.

Cùng với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp, Vietinbank đã trở thành một trong những ngân hàng quy mô lớn nhất Việt Nam với nguồn vốn huy động và cho vay-đầu tư đều ở mức trên 200 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận "hàng khủng", nợ xấu dưới 1%

Tại Hội nghị tổng kết năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng cho biết: Năm 2009, ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận khá cao 3.018 tỷ đồng, sau khi đã trích lập các khoản dự phòng rủi ro, vượt 16% so với mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đặt ra.

Đây là mức lợi nhuận cao, nhất là trong bối cảnh năm 2009 vừa qua hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng cũng đã đạt 221,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% và dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 162,3 nghìn tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm trước. Đáng chú ý, nợ xấu của Vietinbank trong năm qua chỉ ở mức dưới 1% (0,6% trên tổng dư nợ).

Riêng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, Vietinbank đã đạt dư nợ xấp xỉ 60.000 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng dư nợ cho vay.

Theo ông Hùng, năm qua là năm Vietinbank đẩy mạnh các dịch vụ về kiều hối, thẻ thanh toán với việc thiết lập thêm nhiều kênh chuyển tiền trực tiếp (chuyển tiền online) về Việt Nam cho kiều bào, lao động đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đồng thời đa dạng các loại thẻ phát hành cả trong nước và quốc tế, tăng cường liên kết với các đơn vị khác để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ...

Nhờ vậy, trong năm 2009, thị phần về kiều hối của Vietinbank đã tăng từ 12% lên 15%, với tổng số tiền đạt 920 triệu USD. Về lĩnh vực thẻ, Vietinbank cũng đã phát hành được trên 3 triệu thẻ nội địa và gần 10 nghìn thẻ tín dụng quốc tế...

Năm 2010, Vietinbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 300 nghìn tỷ đồng, vốn huy động và cho vay nền kinh tế đều tăng trưởng ở mức 30% và nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng.

"Không có khuất tất ở dự án Ciputra"

Về thông tin dư luận cho rằng có khuất tất ở dự án đầu tư xây dựng trụ sở của Vietinbank tại khu Ciputra (Tây Hồ, Hà Nội), lãnh đạo của ngân hàng khẳng định: Vietinbank đã làm theo đúng quy trình, thủ tục và luôn minh bạch hóa các thông tin về dự án cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong nội bộ.

"Chúng tôi đảm bảo dự án Ciputra cũng như các dự án đầu tư khác của Vietinbank luôn được minh bạch và công khai. Bởi, nếu không thực hiện minh bạch và công khai thì cái bất lợi nhìn thấy rõ nhất là giá trị cổ phiếu sẽ bị xuống thấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông", ông Nguyễn Văn Du,  Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết.

Cũng theo ông Du, về dự án Ciputra, ông Phạm Huy Hùng, khi đó là Tổng Giám đốc Vietinbank đã thực hiện đúng thẩm quyền trong việc ra các quyết định ký biên bản ghi nhớ lập liên doanh với đối tác Singapore và trình Hội đồng quản trị cũng như Ngân hàng Nhà nước xem xét và đã được chấp thuận.

Tuy nhiên, cuối năm 2008, vì nhiều lý do, bên phía đối tác Singapore đã xin rút lui khỏi dự án và Vietinbank đã quyết định tự đầu tư dự án này.

Về giá đất thuê, ông Du cũng khẳng định việc ngân hàng đàm phán và "chốt" được mức giá thuê là 1.800 USD/m2 là hoàn toàn hợp lý tại thời điểm đàm phàn (khi đó Ciputra đưa giá mức giá chào thuê là từ 1.800-2.000 USD). Việc này cũng đã được đưa ra xin ý kiến Hội đồng quản trị và đã được đồng ý.

Theo hợp đồng, tổng số tiền thuê lô đất (diện tích gần 3ha) mà VietinBank phải trả cho Ciputra là 849 tỷ đồng. "Số tiền này chúng tôi trả cho bên phía Ciputra với điều kiện họ phải lập tài khoản tại Chi nhánh Vietinbank Hà Nội và giải ngân theo đúng tiến độ của hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Hiện nay, Vietinbank mới cho phía Ciputra rút 102 tỷ đồng trên tổng số tiền và số còn lại vẫn năm trong diện tài khoản bị phong tỏa tại Vietinbank nên không hề có chuyện thất thoát, Hơn nữa, số tiền này vẫn được ngân hàng dùng để kinh doanh cho vay và đầu tư, nên còn sinh lời...", ông Du cho hay.

Nguyên nhân số tiền còn lại chưa được thanh toán cho Ciputra, theo ông Du, là do đơn vị này chưa tiến hành xong việc giải tỏa (hiện vẫn còn vướng chưa di dời được hai ngôi mộ và hơn 600m2 của 7 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù).

Theo VietinBank, dù chưa triển khai được dự án theo đúng kế hoạch nhưng theo hợp đồng thuê đất với Ciputra, ngân hàng được phép chuyển nhượng, cho thuê lại đất đã thuê. Vì vậy, với mặt bằng giá hiện tại (dao động khoảng từ 3.000-4.000 USD/m2), nếu VietinBank thực hiện chuyển nhượng, cho thuê lại đất trong dự án này thì sẽ có khoản lợi lớn về chênh lệch giá thuê, tính ra khoảng 60 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Du cũng khẳng định, VietinBank không chủ trương đầu tư kinh doanh bất động sản và quyết tâm sử dụng mảnh đất này để xây dựng trụ sở chính với nhiều công trình hiện đại. Theo đó, dự án mà Vietinbank dự định triển khai là một tổ hợp thương mại bao gồm tháp văn phòng, khu khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê và khu siêu thị thương mại.

"Hiện tại, chúng tôi đang cùng với các đơn vị có liên qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê thiết kế để có thể sớm triển khai dự án dự kiến vào tháng 8/2010", ông Du cho biết./.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục