VietinBank-“bà đỡ” tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn

Với dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên 72.000 tỷ đồng, VietinBank đã và đang thực hiện tốt vai trò là “bà đỡ” cho tín dụng khu vực này.
VietinBank-“bà đỡ” tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ảnh 1VietinBank đã giải ngân 1.200 tỷ đồng thu mua lúa gạo tạm trữ vụ Hè Thu 2013. (Nguồn: VietinBank).

Theo thống kê từ vài năm qua, khi dòng vốn cho vay đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, sản xuất kinh doanh... đều khó thu hồi nợ thì tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn tăng trưởng tốt và ít nợ xấu.

Đến bây giờ, nhiều ngân hàng đã nhận ra rằng, từng đồng bạc lẻ cho vay tới người nông dân lại chính là điểm tựa an toàn cho ngân hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên 72.000 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã và đang thực hiện tốt vai trò là “bà đỡ” cho tín dụng khu vực này.

“Bà đỡ” cho nông nghiệp

Thời gian qua, mặc dù đã có sự di chuyển mạnh mẽ về dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp song trong tổng số 51,7 triệu lao động (năm 2013) vẫn còn tới gần 50% lao động làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản. Những con số trên cho thấy nông nghiệp nông thôn tiếp tục là lĩnh vực quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển. Trong đó, tín dụng ngân hàng được coi là công cụ đặc biệt quan trọng.

VietinBank-“bà đỡ” tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ảnh 2VietinBank đã dành trên 72.000 tỷ đồng cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn. (Nguồn: VietinBank).

Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về chính sách tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước và ảnh hưởng đến số đông người dân như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản… góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực này.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2014, nông nghiệp nông thôn vẫn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay; cơ chế lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tiếp tục được điều chỉnh giảm và thấp hơn các lĩnh vực khác.

Mặc dù trong những năm trở lại đây, bối cảnh kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn, được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà, VietinBank luôn dành những ưu đãi đặc biệt đối với ngành lương thực và nông sản thực phẩm.

Năm 2013, tiếp tục thực hiện những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu, VietinBank tiếp tục triển khai chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn, dành hàng chục nghìn tỷ đồng tài trợ với trên 11,5 nghìn khách hàng (bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân) với mức lãi suất cạnh tranh.

Tính đến hết 31/3/2014, dư nợ của chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn là 72.615 tỷ đồng, chủ yếu là dư nợ ngắn hạn, chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với dư nợ toàn hệ thống của VietinBank.

Điều này cho thấy nỗ lực của VietinBank trong việc đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn, trong đó chủ yếu tập trung cho vay thu mua các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, phục vụ sản xuất kinh doanh chế biến hàng xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng cho vay được đảm bảo, nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 1,6% tổng dư nợ toàn chương trình.

Đồng hành cùng người nông dân

Riêng đối với lĩnh vực thu mua tạm trữ lúa gạo các vụ Đông Xuân và Hè Thu, VietinBank rất tích cực triển khai chương trình thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tích cực hỗ trợ các thương nhân được phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo kịp thời với mức giá ưu đãi.

Năm 2013, doanh số giải ngân đối với các chương trình này là trên 2.700 tỷ đồng; trong đó, doanh số giải ngân đối với chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 là 1.501 tỷ đồng, doanh số giải ngân đối với chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ vụ Hè Thu 2013 là 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VietinBank chú trọng phát triển các vùng vựa lúa, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Năm 2013, VietinBank chính thức trở thành Hội viên liên kết của Hiệp hội lương thực Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng tạo sự gắn kết của VietinBank với các thành viên, góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại khu vực này.

Không dừng lại ở các chương trình kể trên, VietinBank đã triển khai sản phẩm “Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn” với nhiều ưu đãi như hạn mức cho vay tới 80% nhu cầu vốn; thời gian thủ tục đơn giản hóa; bà con nông dân được tư vấn bởi đội ngũ cán bộ nhiệt tình và chuyên nghiệp… Sản phẩm này đã hỗ trợ được nhiều nông dân, hộ gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến hết 31/3/2014, dư nợ của sản phẩm đạt gần 9.000 tỷ đồng (chiếm 17% dư nợ khách hàng cá nhân).

Với mong muốn tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu của hệ thống, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, VietinBank cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiếp tục hiện thực hóa tiêu chí “Luôn đồng hành cùng người nông dân”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục