Việt-Nhật thúc đẩy hợp tác ngành công nghiệp ưu tiên

Hội thảo giao thương Việt-Nhật nhằm giúp doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ.
Sáng 13/9, tại Trung tâm ASEAN-Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức “Hội thảo giao thương xúc tiến thương mại-công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.”

Hội thảo thu hút trên 120 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia, trong đó hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hội thảo giao thương đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực sắt thép, luyện kim, điện tử, nhựa, máy nông nghiệp…

Phát biểu khai mạc, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng khẳng định với nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, hiệp định liên kết kinh tế Việt Nam-Nhật Bản được ký kết là nền tảng pháp lý vững chắc nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác, kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.

Mới đây nhất, với mục tiêu phát triển nền kinh tế nói chung và công nghiệp phụ trợ nói riêng đi vào thực chất hơn, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chính sách chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030,” đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cụ thể hóa sáu ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp phụ trợ có liên quan để hợp tác với Nhật Bản.

Sáu ngành công nghiệp đó bao gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ôtô và phụ tùng.

Trên những cơ sở pháp lý đó, hội thảo giao thương lần này nhằm giúp các doanh nghiệp hai nước trong những ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội hội tác kinh doanh.

[Cơ hội để dòng vốn đầu tư Nhật “đổ” vào Việt Nam]

Sau khi được nghe một số tham luận về môi trường đầu tư tại Việt Nam, tình hình hoạt động kinh doanh trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, đại diện các doanh nghiệp tham dự hội thảo đã tiến hành giao thương, giới thiệu doanh nghiệp và tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh theo các chuyên đề như lĩnh vực, nhóm ngành nghề, địa phương…

Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết kim ngạch thương mại song phương năm 2012 đạt 25 tỷ USD và dự kiến tăng 12%, đạt 28 tỷ USD trong năm 2013; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 14%.

Nhật Bản hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, song quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng vì hai nước có nhiều lợi thế hàng hóa mang tính chất bổ sung cho nhau, không cạnh tranh lẫn nhau.

Không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với 1.990 dự án với tổng vốn đăng ký ước đạt 33 tỷ USD.

Nhật Bản cũng là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, lên tới 24 tỷ USD, chiếm 30% tổng ODA của thế giới dành cho Việt Nam./.

Tri Phương/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục