Viettel sẵn sàng chia 90% cho nhà cung cấp nội dung

Lãnh đạo Viettel nói, nếu doanh nghiệp nội dung có những cái nhà mạng không làm được, thì có bảo chia 90% cũng sẽ được chấp nhận.
Tại tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức (ngày 28/12), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, nếu muốn tăng doanh thu, các doanh nghiệp viễn thông buộc phải tăng các dịch vụ giá trị gia tăng.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp viễn thông phải chinh phục khách hàng bằng các dịch vụ nội dung số tốt. Đây cũng sẽ là một trong những chiêu để các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng bão hòa.

Nhà cung cấp nội dung than mức ăn chia "bèo bọt"


Trên thực tế, hiện thị trường nội dung số ở Việt Nam thực sự chưa đủ mạnh. Lý do được nhiều nhà cung cấp nội dung nêu ra là tỷ lệ ăn chia giữa các nhà mạng với họ là thấp, làm giảm đáng kể sức sáng tạo, nhiệt tình của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, buộc họ nghĩ ra các phương pháp khác để tồn tại.

Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho rằng, các nhà mạng muốn phát triển nội dung số thì phải tính toán lại tỷ lệ ăn chia. “Hiện các mạng thu tới 55% sẽ không khuyến khích nội dung phát triển. Cần tính toán chỉ thu 30 - 40% để phát triển công nghiệp nội dung,” ông Việt khuyến nghị.

Theo ông, với mức ăn chia này, các công ty nội dung sẽ có vốn để tái đầu tư các dịch vụ nội dung mới. Khi đó, công nghiệp nội dung số của Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Với tư cách nhà mạng, ông ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, một trong những lý do khiến nhà mạng vẫn áp đặt mức ăn chia trên cũng bởi các nhà cung cấp nội dung chưa đưa ra được những sản phẩm đủ tầm để níu áo người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy lập luận của ông Hùng có lý, khi mà các nhà bán lẻ, sản xuất thiết bị đầu cuối cũng đã bước chân vào lĩnh vực này với tư cách người đặt hàng, và tỷ lệ ăn chia đã tốt hơn nhiều cho các nhà cung cấp nội dung nhưng thị trường vẫn chưa có khởi sắc.

Tại sự kiện Mobile Monday diễn ra vào trung tuần tháng 9 tại Hà Nội, ông Fabien Lotz (Giám đốc bộ phận phát triển ứng dụng và dịch vụ Nokia Đông Dương) cho biết Nokia khuyến khích các đơn vị cung cấp ứng dụng hợp tác với tỷ lệ 70%-30%. Trong 30% thu được, Nokia sẽ trích ra để trả phí cho nhà mạng.

Chuỗi siêu thị bán lẻ Viễn thông A cũng “nhảy” vào thị trường nội dung số từ đầu 2011. Doanh nghiệp này đã hợp tác với một số nhà cung cấp nội dung, bán “key” cài đặt ứng dụng cho khách hàng. Cuối tháng, sẽ căn cứ vào số “key” bán được để trả tiền người viết ứng dụng theo tỷ lệ 60% cho đơn vị nội dung.

Hãy cung cấp nội dung mà nhà mạng không làm được


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện có 3 vấn đề mà các nhà cung cấp cần nghiên cứu để phát triển thị trường nội dung số.

Theo đó, trở ngại lớn nhất thời gian qua đó là vấn đề data (dữ liệu), với mức dữ liệu 5% như hiện nay thì khó mà nội dung phát triển được, do đó, cần đẩy mạnh lên ở mức 50-60% mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà mạng. "Cái thời điểm đạt đến mức dữ liệu đó nó có thể rất nhanh, hoặc vài ba năm mà theo mục tiêu của Viettel trong chương trình máy tính giá rẻ cho nông dân là 3 năm (đến 2013) có nghĩa là các nhà cung cấp nội dung hãy chuẩn bị tinh thần ngay từ bây giờ," lãnh đạo Viettel chia sẻ.

Ngoài ra, cần xác định mô hình 95% miễn phí và 5% thu cước. Khi ấy, cộng đồng người dùng sẽ rất lớn và sẽ có doanh thu. Song, đây là vấn đề mà thị trường Việt Nam vẫn chưa quen.

Lý giải về tỷ lệ ăn chia, ông Hùng cho rằng, doanh thu về nội dung của các nhà mạng trong những năm qua chủ yếu dựa vào dịch vụ tin nhắn SMS, mà dịch vụ thế thì các nhà mạng cũng làm được, thậm chí làm tốt, bởi vậy, các công ty nội dung phải làm được những cái mà nhà mạng không làm được.

Ông Hùng thẳng thắn: “Không thể cấm nhà mạng làm nội dung, nếu họ làm được, cấm công ty mẹ, họ sẽ có thể đẻ ra các công ty con để làm. Nhưng nếu doanh nghiệp nội dung tập trung sáng tạo chuyên nghiệp và làm  ra những  sản phẩm mà nhà mạng không làm được,  hoặc sẽ phải đầu tư lớn mới làm được, thì  thị trường  đó hoàn toàn thuộc về các nhà cung cấp nội dung. Tỷ lệ ăn chia khi đó, là 90% Viettel cũng sẽ chấp nhận.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục