Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái?

Viettel liệu có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và ai sẽ thay ông điều khiển con tàu này vượt sóng cả ở thời đại 4.0 khi tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ mới?
Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái? ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. (Nguồn: Viettel)

Với việc Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, người anh cả của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel sẽ nhận nhiệm vụ mới, Viettel liệu có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và ai sẽ thay ông điểu khiển con tàu này vượt sóng cả ở thời đại 4.0?


Cuộc lội ngược dòng “thần thánh”

Trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam, cái tên Nguyễn Mạnh Hùng luôn được nhắc tới với một sự nể trọng. Ông được xem là linh hồn, là người chèo lái con tàu Viettel từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn công nghiệp hàng đầu.

[Lợi nhuận năm 2013 của Viettel lớn gần gấp 4 lần VNPT]

Là người thông minh và quyết đoán, dấu ấn của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được thể hiện rõ nét nhất qua việc ông cùng đội ngũ lãnh đạo Viettel “lật ngược” ván cờ trên thị trường thông tin di dộng vốn đã được định hình vô cùng vững chãi.

Được thành lập vào năm 1989 nhưng năm 2000 Viettel mới chính thức tham gia vào thị trường viễn thông với dịch vụ điện thoại đường dài sử dụng công nghệ VoIP. Tới 15/10/2004, mạng di động 098 bắt đầu được vận hành khi mà thị trường viễn thông đang là mảnh đất của VNPT và thông tin di động được "ông bố" VNPT giao cho hai anh em VinaPhone và MobiFone khai thác.

Khi ấy, không ai có thể ngờ một mạng di động non trẻ, “tập tọe” gia nhập thị trường lại có thể tồn tại ở thị trường vốn được coi là chuyện nội bộ của anh em nhà VinaPhone, MobiFone. Nhất là, trước đó, Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (tên của Viettel khi đó) cũng "khởi nghiệp" long đong mấy năm trời chưa nên "cơm cháo" gì.

Nhưng, không có gì là không thể. Càng không có gì là không thể với những người lính. Ông Nguyễn Mạnh Hùng khi đó là Phó giám đốc Viettel đã cùng ban lãnh đạo đưa ra những chiến lược táo bạo mà sau này thường được gọi là "binh pháp lấy nông thôn vây thành thị." Chiến lược này lấy trọng tâm khách hàng là người nghèo, người vùng sâu xa, những nơi khó kéo điện thoại cố định, tầng lớp học sinh, sinh viên và lao động thành thị thu nhập thấp... đều có thể xài điện thoại di động.

“Trong khi nhiều người nghĩ rằng, viễn thông là xa xỉ thì Viettel lại nghĩ rằng, viễn thông là thứ hàng hóa thiết yếu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, do đó bằng mọi cách phải phổ cập dịch vụ, mang cơ hội kết nối đến cho bất kỳ ai. Trong khi nhiều người nghĩ rằng công nghệ càng cao thì giá càng đắt thì Viettel lại nghĩ rằng, công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Nếu như Apple đưa chiếc iPhone giá hàng ngàn USD tới cho 10% người giàu nhất thì Viettel sẽ mang chiếc smartphone đến cho 90% số người còn lại…,” ông Hùng từng nói.

Ý tưởng táo bạo cộng với sự quyết tâm, nỗ lực triển khai mạng lưới lan tỏa về các vùng miền, mạng thông tin di động 098 của Viettel đã có cuộc bứt tốc thần kỳ. Hàng loạt tỉnh thành được phủ sóng, thuê bao tăng trưởng tốt và bắt đầu khiến cho hai nhà mạng lớn cảm thấy lo lắng.

Việc đấu nối giữa các mạng, triển khai xuống các tỉnh thành thông qua hệ thống bưu điện tỉnh, huyện, xã... của VNPT dần dần khó hơn, kéo dài thời gian hơn thêm vào đó là nhiều nguyên nhân vô hình nhưng hiện hữu thường trực như những rào cản barie mọc lên mỗi lúc một dầy. Cộng với chính sách giá cước được khống chế sàn, có thể nói Viettel ở thế giữa muôn trùng vây khó khăn.

Song họ đã không nản chí, cũng không để bị "bắt nạt" lâu. Hàng loạt những chính sách hợp lý đã được đưa ra giúp Viettel dần chiếm lĩnh thế thượng phong của hai nhà mạng lớn còn lại.

Thuê bao tăng trưởng, năm 2012, Viettel lần đầu tiên “soán ngôi” doanh thu của VNPT khi đạt 140.058 tỷ đồng so với 130.390 tỷ đồng. Nhưng thực tế thì cuộc "đua" này dường như đã được định đoạt vào năm 2011 khi dù có kém VNPT về doanh thu (101.569 tỷ đồng so với 91.561 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận của Viettel nhiều hơn tới 4.300 tỷ đồng.

Đây rõ ràng là cuộc lội ngược dòng có một không hai tại thị trường Việt Nam mà tại nhiều diễn đàn trong và ngoài nước, hình mẫu Viettel đều được nhắc tới. Nhưng, không vì thế mà ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo Viettel dừng lại…

"Chinh chiến" nước ngoài, làm chủ công nghệ

Vào thời điểm mạng di động trong nước mới chỉ có khoảng 2 triệu thuê bao (năm 2006), Viettel quyết định “xua quân” đi nước ngoài chinh chiến với hành trang mà ông Hùng vẫn hay nói là của kẻ... không có gì. Lại một lần nữa, nhiều người cho rằng Viettel đang "mơ hão" khi mà cuộc chơi ở sân nhà còn ngổn ngang trăm mối...

Lý giải về quyết sách này, tướng Hùng bảo rằng, điều này giống như Bill Gates bỏ học giữa chừng để thành lập công ty, cơ hội đến thì không thể đợi được. Và “trong khi nhiều người nghĩ rằng, hội nhập là chờ đợi các doanh nghiệp nước ngoài đến với mình, Viettel lại nghĩ rằng, chúng ta cũng cần chủ động đi ra thế giới.”

Và, Campuchia được lựa chọn để bắt đầu cuộc trường chinh với hoài bão đưa Viettel trở thành một tập đoàn viễn thông đa quốc gia hùng mạnh.

Là nhà mạng đến sau, khi thấy đối thủ rất mạnh ở thành phố, ông Hùng chỉ đạo vân dụng binh pháp “lấy nông thôn vây thành thị,” mạng lưới đi trước kinh doanh theo sau… vốn rất thành công ở Việt Nam. Năm 2009, Viettel chính thức khai trương Metfone tại Campuchia và sau hai năm giành 24,1% thị phần. Tới giữa năm 2017, Mefone đã vững vàng ở vị trí số một tại đất nước Chùa Tháp với 7 triệu khách hàng, chiếm 46% thị phần.

Cho tới hiện tại, 8/10 thị trường quốc tế của Viettel đã kinh doanh có lãi, hai thị trường Tanzania và Myanmar dù mới khai trương nhưng đã có tốc độ phát triển rất tốt. 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor), đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.

[Tập đoàn Viettel báo lãi ở hầu hết các thị trường quốc tế]

Với tướng Hùng, phải lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý. Ông cho rằng, đôi khi con người cứ bàn luận, tranh cãi dựa trên kiến thức nhưng chưa chắc ra cuộc sống đã tồn tại. Ví dụ như Peru, tất cả các dự định của Viettel đều thất bại, thuê bao phát triển chậm…

Khi đó, ông Hùng lệnh cho Giám đốc Viettel ở xứ người cứ làm và ngừng bàn luận, hãy đẩy ra cuộc sống những suy nghĩ của mình, rồi tự cuộc sống sẽ mách bảo mình hướng đi tiếp theo. Cuối cùng, thị trường Peru cũng đem lại trái ngọt.

Hiện, Viettel nằm trong Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao; Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Các thị trường nước ngoài của Viettel có tổng dân số 240 triệu người, trải rộng khắp 3 châu lục.

Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái? ảnh 2Viettel đang thành công khi đầu tư quốc tế. (Ảnh: Viettel)

Không chỉ phát triển mạnh mảng viễn thông, với sự chỉ đạo của CEO Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel còn đầu tư rất bài bản sang lĩnh vực công nghệ, từng bước làm chủ và sản xuất, phát triển những sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh mạng...

Vị tướng này nhấn mạnh, tương lai chúng ta mong muốn là sự bình yên cho con cháu. Muốn vậy, phải sản xuất được vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo bệ hòa bình lâu dài cho đất nước.

Khi người ta lại hoài nghi về năng lực, ông Hùng cho rằng, “từ những việc đi ra nước ngoài đến quyết định đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất thiết bị quân sự… chúng tôi phát hiện ra rằng: Đừng sợ khi biết ít,” ông Hùng nói.

Ông Hùng tin rằng năng lực của con người là vô hạn và khi đặt ra mục tiêu cao, người thực hiện phải nghĩ ra cách đột phá và cách làm mới để tăng trưởng nhanh. Một trong những kỹ năng mà ông tâm niệm ở người đứng đầu là luôn phải tạo ra khó khăn mới.

Là người luôn tạo cảm hứng cho nhân viên, ông Hùng cho rằng, “chúng ta giỏi vì được làm việc khó hoặc rất khó, chứ không chỉ bởi năng lực giỏi.”

Với những nỗ lực cũng như sự động viên kịp thời của vị "thuyền trưởng," Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công và đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel như: Trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước… Cùng lúc, các giải pháp tường lửa, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng được nhiều đơn vị sử dụng.

Ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nhiều trang bị kỹ thuật cao như máy thông tin, rada, hệ thống quản lý vùng trời, hệ thống tự động hoá chỉ huy... đã được Viettel sản xuất. Trong một lần làm việc tại Viettel, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay, có nhiều dòng trang thiết bị của Viettel đã đáp ứng từ 50% - 70%, thậm chí 100% nhu cầu của quân đội, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo khả năng chủ động và bảo mật cao trong trang bị, sử dụng.

Ai sẽ cầm lái đưa con tàu Viettel tăng trưởng?

Mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ viễn thông hùng mạnh với tăng trưởng 10-15%/năm, thị trường đầu tư đạt quy mô 400 - 500 triệu dân và đứng trong Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Những con số mục tiêu của người Viettel đề ra đang đi đúng hướng, con tàu vẫn đang được vận đúng lộ trình bằng những kết quả cụ thể thì vị thuyền trưởng lại phải rời bánh lái để nhận một trọng trách lớn hơn với đất nước.

[Tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Viettel]

Với tầm ảnh hưởng của mình, có nhiều ý kiến lo ngại việc Viettel sẽ “chệch choạc” trong một thời gian nhất định khi tướng Nguyễn Mạnh Hùng không còn chỉ đạo nữa. Và cũng khó có "lời khuyên " cho đơn vị cũ khi ở cương vị mới.

Thực tế dưới trướng của tướng Hùng ở Viettel còn rất nhiều “hổ tướng,” là các Phó tổng giám đốc Viettel: Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Đại tá Hoàng Sơn, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Thượng tá Đỗ Minh Phương và Thượng tá Tào Đức Thắng.

Nhưng việc chọn thuyền trưởng cho Viettel không hề dễ, nhất là trong bối cảnh Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chuyển công tác đầy bất ngờ với chính cả những người trong cuộc.

Các gương mặt này đều có những điểm mạnh và yếu khác nhau và đều được Viettel luân chuyển ở nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong quá trình làm việc.

Nhìn toàn cục, khả năng chức danh Chủ tịch, Tổng giám đốc Viettel thay ông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điền tên Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (1959) hiện là Tổng Giám đốc Viettel Global, trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ông cũng là người đảm trách nhiệm Bí thư Đảng ủy của Viettel từ năm 2014. Cùng với ông Hùng, ông Tống Viết Trung, đây là lứa lãnh đạo đầu tiên của Vietrel thời đầu. Thế nhưng, ông Dũng năm nay đã 59 tuổi thì đây có chăng cũng sẽ chỉ là bước đệm.

Bốn cái tên còn lại, ông Đỗ Minh Phương (1969), phụ trách kinh doanh; ông Tào Đức Thắng (1973), phụ trách mảng hạ tầng, mạng lưới; ông Nguyễn Đình Chiến (1969), phụ trách nghiên cứu và phát triển (công nghệ và công nghiệp quốc phòng); ông Hoàng Sơn, phụ trách Viettel Telecom.

Cả 4 "chiến tướng" này đều đi lên từ quân thiện chiến của Viettel "đánh đông dẹp bắc," khai phá thị trường. Trong đó, ông Tào Đức Thắng, Nguyễn Đình Chiến thiên về kỹ thuật, hạ tầng trong khi ông Hoàng Sơn lại gắn tên tuổi của mình ở thị trường trong nước.

Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái? ảnh 3Phó Tổng Giám đốc Viettel Đỗ Minh Phương là nhân vật được kỳ vọng sẽ lãnh đạo hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Viettel vượt qua những thách thức mới, tạo ra sự bùng nổ thứ hai trong lịch sử viễn thông tại Việt Nam. (Ảnh: Viettel)

Người còn lại, ông Đỗ Minh Phương là cán bộ phụ trách kinh doanh từ đầu gắn liền các chiến lược 178, thông tin di động, thị trường quốc tế và được coi là cánh tay phải thực hiện các sách lược của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đi đến thành công.

Là người nhạy bén với thị trường và thông minh, cởi mở, ông Phương từng trải qua rất nhiều vị trí quan trọng của Viettel như Phó Giám đốc công ty Di động, Giám đốc Công ty Internet, Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn, Giám đốc Công ty Truyền hình Viettel và Tổng Giám đốc Viettel Telecom…

Lúc bổ nhiệm ông Tổng Giám đốc Viettel, đại diện đơn vị này cho hay, ông Phương được kỳ vọng sẽ lãnh đạo hoạt động kinh doanh của Viettel vượt qua những thách thức mới, tạo ra sự bùng nổ thứ hai trong lịch sử viễn thông tại Việt Nam. Ngoài chuyên môn, ông Phương cũng đang ở độ tuổi “vừa chín,” còn đủ thời gian để dẫn dắt Viettel tiến nhanh về đích mà không chịu sức ép về mặt tuổi tác.

Xét về mọi khả năng đây là nhân vật "hoàn hảo" để đảm nhiệm chiếc ghế trống mà ông Hùng "bất ngờ " để lại.

Câu hỏi là Viettel sẽ chọn cách sử dụng bước đệm hay quyết liệt đúng tinh thần người lính mạnh dạn trao cờ cho một tướng trẻ luôn?./.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1962), tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sỹ điện tử viễn thông (Australia), thạc sỹ quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Gia nhập Viettel, ông Hùng từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng phòng đầu tư phát triển, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội, Phó Tổng giám đốc Viettel, vào đầu năm 2014, ông được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Viettel.

Tháng 6/2018, ông Hùng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội Viettel.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục