Việt-Trung trao đổi đổi mới các cơ quan khoa học

Các kinh nghiệm về cải cách các tổ chức nghiên cứu đã được các chuyên gia Việt Nam, Trung Quốc chia sẻ tại hội thảo diễn ra ngày 17/5.
Ngày 17/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tổ chức Hội thảo khoa học Chuyển đổi thể chế của các cơ quan nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc - Kết quả và những bài học.

Hội thảo là dịp giúp Bộ Khoa học và Công nghệ hai nước trao đổi kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi, cải cách thể chế các tổ chức khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ mỗi nước.

Giới thiệu về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam, ông Đinh Việt Bách, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết việc thực hiện cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo của tổ chức khoa học công nghệ, đồng thời thúc đẩy việc gắn kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh và đào tạo. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ tạo điều kiện để đầu tư có trọng điểm cho các tổ chức khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ.

Tuy vậy, đến nay Việt Nam mới có khoảng 46% trong tổng số gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ công lập có Đề án được phê duyệt, số còn lại đang trong quá trình xây dựng Đề án. Nguyên nhân của sự chậm chễ này là do quan điểm và tư tưởng về cơ chế tự chủ của các Bộ, ngành địa phương; sự thiếu đồng bộ giữa cơ chế tự chủ với quy định khác của nhà nước, tiềm lực của nhiều tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế.

Ông Đinh Việt Bách cũng nêu một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện cơ chế này ở Việt Nam như tăng cường quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện cơ chế, hoàn thiện hệ thống pháp lý, thay đổi phương thức cấp tiền lương, tiền hoạt động bộ máy cho các tổ chức khoa học và công nghệ, nâng cao tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ và thực hiện chương trình hỗ trợ cơ chế tự chủ...

Ông Hồ Chí Kiên (Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Trung Quốc) đã giới thiệu về quá trình cải cách và kinh nghiệm thực tiễn cải cách cơ cấu các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Hoạt động cải cách cơ cấu các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã diễn ra từ rất sớm, vào những năm 1980. Với quan điểm khoa học phải hướng về thị trường và thị trường phải dựa vào khoa học, Trung Quốc đã bắt đầu bằng việc từng bước giảm nguồn kinh phí cấp cho các cơ quan nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện cho các nghiên cứu của các cơ quan này đi vào thị trường...

Thời gian đầu, chủ trương này cũng bị các nhà khoa học phản đối, nhưng Trung Quốc vẫn quyết tâm chuyển các viện thành doanh nghiệp, từng bước đưa doanh nghiệp trở thành chủ thể của khoa học và công nghệ. “Chính những điều này đã giúp các doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngày càng năng động, sáng tạo và phát triển mạnh mẽ...”, ông Kiên nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ chế trong các tổ chức khoa học và công nghệ, các đại biểu Bộ Khoa học và Công nghệ hai nước đã tập trung trao đổi kinh nghiệm, chỉ ra những thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi cơ chế, góp phần nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ trong nền kinh tế hiện đại./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục