Giá than theo thị trường

Vinacomin: Cần đưa giá than theo cơ chế thị trường

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, cần sớm đưa giá than theo cơ chế thị trường để đảm bảo vốn đầu tư.
Từ 15/9/2012, giá than cho điện đã được điều chỉnh, tuy nhiên hiện cũng mới bằng 71-73% giá thành sản xuất năm 2011 đã được kiểm toán. Nếu so với giá thành năm 2013 thì giá than cho điện hiện nay mới bằng khoảng 63 - 66% giá thành.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin),  hiện khoản bù giá than cho điện vẫn chưa có nguồn để cân đối, vì than bán cho các hộ khác như điện, giấy, xi măng, thép... kể cả trong nước và xuất khẩu sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu cũng chỉ đủ bù đắp giá thành.

Trong khi tiền lương công nhân mỏ năm 2012 đã phải giảm gần 10% so với năm 2011, việc tuyển dụng thợ lò gặp nhiều khó khăn. Nếu giá bán than cho điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến tài chính và thu nhập của thợ mỏ, ảnh hưởng lâu dài tới ngành công nghiệp than do thiếu vốn cho đầu tư phát triển mỏ.

"Tập đoàn đã có nhiều văn bản đề nghị điều chỉnh theo lộ trình Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 đã nêu rõ: Việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện thực hiện theo hướng đảm bảo bằng giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đảm bảo ổn định việc làm và đời sống cho người lao động,” ông Nguyễn Văn Biên cho hay.

Đây cũng chính là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Vietnam+ với ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để làm rõ vấn đề này.

  - Xin ông cho biết kết quả thực hiện quý I của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Biên: Quý I/2013 lượng than nguyên khai sản xuất đạt 11,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch; trong đó than tiêu thụ đạt 10,7 triệu tấn, đạt 25%. Khoáng sản đạt 24% chỉ tiêu (trong đó Alumin sản xuất quý I đạt 37.300 tấn); sản xuất điện đạt 31%, sản xuất - cung ứng vật liệu nổ cũng chỉ đạt 27%.

Từ kết quả trên thì doanh thu toàn Tập đoàn quý I/2013 đạt 24.000 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch đặt ra. Tiền lương bình quân thực hiện quý I ước đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành, nhưng hiện cân đối tài chính của tập đoàn vẫn còn nhiều khó khăn, không có lãi để đầu tư phát triển.

  - Ông có thể nói rõ hơn những khó khăn, thách thức của ngành than hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Biên: Do năm 2012 thị trường giảm sút, giá than cho điện bán dưới giá thành dẫn đến Tập đoàn đã phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh sản lượng, tiết giảm chi phí (bao gồm cả việc tạm thời giảm hệ số bóc đất, giãn khấu hao, giảm tiền lương,...) cho nên các nguồn lực, điều kiện gối đầu cho sản xuất năm 2013 rất khó khăn.

Các mỏ hầm lò điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn (năm 2013 đào 380 km đường hầm tiết diện khoảng 10 m2, có nơi độ sâu dưới -300 m, bóc 250 triệu m3 đất đá cung độ trên 4 km,...), nguy cơ về bục nước, cháy nổ, sập lò cao hơn; các mỏ lộ thiên cung độ vận chuyển tăng, hệ số bóc đất cao; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động... cũng tăng theo, trong khi tỷ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu phải khai thác hầm lò làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng.

Một thực tế là sức thu hút lao động của ngành mỏ ngày càng thấp hơn so với các ngành khác. Việc tuyển lao động trực tiếp, nhất là thợ lò ngày càng khó khăn.

Theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2012 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 11/5/2012, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển các mỏ than rất lớn (hàng năm 22- 25 ngàn tỷ đồng).

Nhưng thực tế, nguồn vốn tích lũy của Vinacomin hầu như không có do đang phải bán than cho sản xuất điện dưới giá thành, giá than xuất khẩu hiện tại cũng chỉ đủ bù đắp chi phí.

Mặt khác, theo quy hoạch, các thủ xin cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác cũng như tiến độ giải quyết cấp phép rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án mỏ do các vướng mắc liên quan đến thủ tục (quy hoạch ngành, quy định vốn của chủ sở hữu so với tổng số vốn đầu tư của dự án, số lượng giấy phép thăm dò cấp tối đa cho đơn vị, tổ chức...).

Do đó khả năng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than sau năm 2015 là rất khó khăn.

- Các năm trước đây giá than cho điện thấp hơn giá thành, nhưng tại sao ngành than vẫn đảm bảo kinh doanh hiệu quả ?

Ông Nguyễn Văn Biên: Trước đây giá than cho điện thấp hơn giá thành nhưng sản lượng than bán cho điện còn thấp (chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng than tiêu thụ), năm 2013 than bán cho điện chiếm trên 30% tổng sản lượng và đang tăng cao (riêng quý I/2013 than bán cho điện chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ trong nước).

Điều quan trọng nhất là từ 2011 về trước khi giá than xuất khẩu còn cao, còn bù được cho than trong nước, nhưng hiện nay, do suy giảm kinh tế toàn cầu giá than xuất khẩu giảm mạnh (giảm khoảng 30% so với giá cuối năm 2011) cho nên sau khi trừ thuế xuất khẩu 10%, thuế VAT than xuất khẩu không được khấu trừ thì than xuất khẩu hiện chỉ đủ bù đắp chi phí, một số loại có lãi nhưng không đáng kể.

  - Theo ông thì thuế xuất khẩu than hiện nay đã phù hợp chưa?

Ông Nguyễn Văn Biên: Trên thị trường thế giới và khu vực, hiện nay thuế xuất khẩu than của Việt Nam 10% thuộc nhóm nước có thuế suất cao (Indonesia hàng năm sản xuất khoảng 390 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 280 triệu tấn thì thuế xuất khẩu là 0%, Úc có sản lượng tương đương Indonesia cũng áp dụng thuế xuất khẩu 0%, Trung quốc là nước sản xuất trên 3,5 tỷ tấn than/năm, vừa xuất khẩu và nhập khẩu than hàng trăm triệu tấn/năm, nhưng thuế xuất khẩu than cũng chỉ có 10%, Mông Cổ áp dụng thuế xuất khẩu than tùy theo chủng loại chất lượng cao thì thuế suất cao hơn nhưng tối đa không quá 7%, Nga thuế XK: 0-5%,…).

Với mức thuế suất 10% thì nếu thực hiện giá thành theo đủ các chỉ tiêu công nghệ, đảm bảo tiền lương cho thợ mỏ thì sau khi nộp thuế, ngành than rất khó cân bằng được tài chính.

Vì vậy, ngành than đã phải giảm tiếp tiền lương, chỉ tiêu công nghệ, chọn nơi thuận lợi hơn để khai thác trước để giảm giá thành, để tiêu thụ được than.

Tuy nhiên, biện pháp cắt giảm chi phí này cũng ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững theo Quy hoạch của ngành than, nguy cơ thiếu lao động cho sản xuất, cơ sở hạ tầng, môi trường,...bị ảnh hưởng.

Do đó, để ngành than chủ động điều hành, ổn định sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (tránh việc hợp đồng đã ký hợp đồng rồi sau đó thuế tăng không bán được hàng sẽ bị phạt), đồng thời cũng đảm bảo thuận lợi, minh bạch trong tính toán thuế suất, có thể xem xét cơ chế thuế suất thuế xuất khẩu than theo mức giá than trên thị trường thế giới công bố bình quân hàng quý.

Trong giai đoạn hiện nay có thể xem xét ở mức: Khi giá than bình quân (tính theo loại cám 11AHG): dưới 75USD/tấn thì mức thuế suất là 10%. Khi giá than bình quân (tính theo loại cám 11AHG): từ 75 đến dưới 85USD/tấn thì mức thuế suất là 15%. Khi giá than bình quân (tính theo loại cám 11AHG): trên 85USD/tấn thì mức thuế suất là 20%.

  - Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa có buổi làm việc với tập đoàn, vậy ông có thể cho biết những chỉ đạo và hướng triển khai của ngành thời gian tới như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Biên: Trong buổi làm việc của Tổng Bí Thư, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có các văn bản báo cáo và kiến nghị các cơ quan Nhà nước giúp Tập đoàn giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực như:

Xem xét giải quyết các thủ tục cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác cho các đơn vị. Bên cạnh đó, nhà nước xem xét điều chỉnh các chính sách thuế, phí đối với tài nguyên khoáng sản theo hướng khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên thay vì tăng cao như hiện nay. Riêng đối với than tăng từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 3.120 tỷ đồng năm 2012 (gấp 13,5 lần).

Từ năm 2012 nhà nước đã bổ sung thuế môi trường là 20.000 đồng/tấn, phí môi trường địa phương thu cũng tăng từ 6.000 lên 10.000 đồng/tấn đồng thời tập đoàn vẫn phải thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất với mức chi hàng năm khoảng 2% chi phí (tương đương 22 ngàn đồng/tấn: Chi phí môi trường tập trung 1,5% và tại đơn vị 0,5%).

Tính chung lại thì tổng chi phí môi trường chiếm gần 5% trong giá thành sản xuất của tập đoàn là rất cao.

Trong khi đó sản lượng than bán cho điện sản lượng ngày càng tăng, nhưng ngược lại giá bán cho điện còn thấp nên cân đối tài chính của tập đoàn sẽ ngày khó khăn.

Vì vậy, để tháo gỡ bớt khó khăn, tập đoàn đã kiến nghị nhà nước được điều chỉnh thuế tài nguyên ở mức hợp lý, còn thuế môi trường khoảng 10.000 đ/tấn, giữ phí môi trường 6.000 đ/tấn (như trước năm 2012) để ngành than có lãi đầu tư phát triển các mỏ than trong những năm tới.

Một kiến nghị nữa là từ năm 2008 trở về trước (10 năm liền) than xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng sang năm 2009 theo Nghị định số 123/2008 ngày 8/12/2008 quy định than xuất khẩu là khoáng sản thô nên không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thực tế tập đoàn không xuất khẩu sản phẩm thô mà xuất khẩu than đã qua quá trình sàng tuyển, chế biến, chọn lọc trong các dây chuyền công nghệ với chi phí từ 5-10% tổng chi phí sản xuất than và chỉ thu hồi được khoảng 85% than sạch từ than nguyên khai (sản phẩm thô).

Thêm vào đó, từ năm 2008 đến nay, các loại thuế khác trong giá thành tăng cao như nêu ở trên, nếu không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào than xuất khẩu thì giá thành than sẽ tiếp tục tăng rất cao, ảnh hưởng lớn tới cân đối tài chính của tập đoàn. Vì vậy, tập đoàn đề nghị cho phép than xuất khẩu thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế như năm 2008 về trước.

Tập đoàn cũng kiến nghị Bộ Tài chính cho phép được kêu gọi vay vốn quốc tế (ADB, NIB, WB) dài hạn từ 10 năm trở lên để đầu tư phát triển các mỏ than mới; bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho tập đoàn để đầu tư phát triển ngành than...; trong đó được vay vốn từ Ngân hàng phát triển cho các dự án Bauxit-Alumin ở Tây Nguyên vì các dự án này thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn và là sản phẩm kim loại màu trong nhóm ưu đãi đầu tư.

  - Từ kết quả của quý I, ông nhận định thế nào về hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành trong quý II/2013.

Ông Nguyễn Văn Biên: Theo Kế hoạch năm 2013 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban ban hành: Sản xuất và tiêu thụ 43 triệu tấn than; trong đó ưu tiên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 28-29 triệu tấn, còn lại xuất khẩu. Doanh thu 104.435 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012.

Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý II (bằng 50% kế hoạch cả năm), đảm bảo cân đối được tài chính, lãnh đạo tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị cần triệt để thực hiện các giải pháp thắt chặt chi phí và điều hành sản lượng than sản xuất, tiêu thụ giữa các đơn vị một cách hợp lý để giá thành toàn tập đoàn có thể tiêu thụ được.

Trong công tác tiêu thụ, tập đoàn sẽ bám sát yêu cầu của thị trường, giữ mối quan hệ tốt với khách hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giao than và tiến độ giao hàng để ổn định sản xuất, việc làm và tồn kho hợp lý. Nếu giá than cho điện sớm được điều chỉnh, chính sách thuế ổn định ở mức hợp lý sẽ giúp cho Ngành than sớm ổn định và phát triển bền vững..

Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục