Vinashin sẽ tái cơ cấu Công ty Hoàng Anh, Nam Định

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị khi tiến hành tái cơ cấu Công ty Hoàng Anh, Vinashin trực tiếp điều hành, chiếm cổ phần chi phối.
Chiều 15/3, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm việc với các vị lãnh đạo tỉnh Nam Định, đại diện một số sở, ngành và các huyện liên quan về tình hình và kế hoạch triển khai các dự án đang dang dở của Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu Vinashin cho biết chủ trương đầu tư của Tập đoàn, xác định các dự án tại tỉnh Nam Định cần tiếp tục thực hiện, chuyển đổi hay đẩy nhanh tiến độ.


Chủ tịch tỉnh Nam Định cũng cho biết thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các địa phương liên quan đã chịu sức ép rất lớn của người dân trước thực trạng nhiều dự án được triển khai không như kế hoạch, cam kết và hứa hẹn của chủ đầu tư.


Ông Trương Văn Tuyến, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin, thông báo hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh Công ty Hoàng Anh đang bị đình trệ và tiến độ kêu gọi đầu tư vào các dự án xây dựng khu công nghiệp lại rất chậm.


Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin khẳng định dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng do Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh làm chủ đầu tư chắc chắn không thể tiếp tục được thực hiện. Dự án nhà máy đóng tàu Thịnh Long vẫn sẽ được giữ lại trong đề án tái cơ cấu của Vinashin và Tập đoàn chủ trương tiếp tục củng cố và phát triển nhà máy này.


Ông Tuyến cũng cho biết từ nay đến cuối năm, Vinashin sẽ đưa nhà máy đóng tàu Thịnh Long trở lại hoạt động bình thường. Trước mắt, chủ trương của Tập đoàn là tập trung hoàn thiện, phấn đấu bàn giao ngay trong năm nay hai con tàu đang đóng dở tại nhà máy này để tiến hành giao bán hoặc giao thuê.


Hiện nay, tổng số vốn cần thiết để hoàn thiện hai con tàu này vào khoảng trên 140 tỷ đồng. Tiếp đó, Tập đoàn sẽ giao tiếp cho nhà máy để đóng các gam tàu phù hợp.


Song song với việc này, Tập đoàn sẽ tiến hành tổ chức lại bộ máy của Công ty Hoàng Anh. Nhiều khả năng, với số tiền đang vay nợ, hầu hết cổ phần của Công ty Hoàng Anh sẽ phải chuyển sang cho Vinashin.


Đối với dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp, chủ trương của Tập đoàn là Công ty Hoàng Anh sẽ tiếp tục duy trì và kêu gọi đầu tư. Trường hợp có nhà đầu tư khác quan tâm, Công ty có thể chuyển nhượng lại toàn bộ dự án để tập trung vào hoạt động đóng tàu.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị khi tiến hành tái cơ cấu Công ty Hoàng Anh, Vinashin dứt khoát phải trực tiếp đứng ra điều hành và chiếm cổ phần chi phối. Đối với Nhà máy cấu kiện bêtông Hoàng Anh tại cụm công nghiệp Nam Hồng, tốt nhất nên chuyển giao lại dự án hoặc tiến hành cổ phần hóa.


Về Khu công nghiệp Mỹ Trung, ông Tuấn cho rằng nếu tìm được nhà đầu tư, Tập đoàn nên chuyển nhượng lại dự án theo khung giá chung của tỉnh, trên nguyên tắc hoàn lại tiền san lấp mặt bằng và khối lượng công việc đã tiến hành.


Theo báo cáo của Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, trong giai đoạn từ năm 2005-2011, Công ty đã làm chủ đầu tư thực hiện 10 dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định, với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 7.550 tỷ đồng và có tổng diện tích đất gần 4,260 triệu m2. Chi phí đã đầu tư thực hiện các dự án trên là hơn 1.970 tỷ đồng.


Cho đến nay, tổng số nợ gốc của Công ty lên hơn 1.915 tỷ đồng, cộng với số nợ lãi là 410 tỷ đồng./.


Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục