Vực dậy sau “bão”

Vinashin tháo gỡ khó khăn và vực dậy sau “bão”

Giải pháp tháo gỡ khó khăn của Vinashin bối cảnh hiện tại là chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án bị hủy hợp đồng...
Phải khẳng định rằng, sự ra đời của Tập đoàn Vinashin là quyết sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Hai năm gần đây, Vinashin liên tiếp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn. Các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD.

Để giải quyết khó khăn ấy, Tập đoàn Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009 Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ.

Đến tháng 6/2010 - thời điểm bắt đầu triển khai tái cơ cấu Vinashin, có hai con số đáng lưu ý là tổng số nợ của Tập đoàn là 86.000 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ khó trả nhưng tổng tài sản của Tập đoàn được định mức khoảng 104.000 tỷ đồng.

Trước báo động đỏ, Chính phủ đã vào cuộc, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân sự cố Vinashin là hệ quả tất yếu của những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn. Đồng thời, có cả những bất cập, kém hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 18/6, Thường trực Chính phủ đã quyết định tái cơ cấu một bước Tập đoàn Vinashin với nhiều nội dung quan trọng như yêu cầu Tập đoàn rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện tại là chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án tàu đang đóng bị hủy hợp đồng, nhanh chóng thu hồi vốn; ngừng triển khai đầu tư đóng, sửa chữa tàu nhưng chưa có khả năng thu xếp vốn; rà soát lại để nắm thật chắc và quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn; sắp xếp lại hệ thống tổ chức doanh nghiệp của Tập đoàn gắn với việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính…

Đáng chú ý trong kế hoạch tái cơ cấu của mình, Vinashin sẽ thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên có các ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không thật cần thiết, dồn lực đầu tư cho sản xuất và từng bước trả nợ, giải quyết khó khăn về đời sống cho công nhân.

Bước đầu tiên trong lộ trình tái cơ cấu, song song với bổ nhiệm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm quản lý vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn, Chính phủ quyết định điều chuyển 12 đơn vị và năm dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, góp phần chia sẻ và giảm gánh nặng cho Vinashin.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thép Cái Lân - Vinashin thuộc cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân cũng là một đơn vị đang lúng túng trong tháo gỡ khó khăn, tìm lối ra cho sản phẩm.

Đơn vị này được Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân từ năm 2004 với quy mô như một trong những nhà máy cán nóng thép đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.

Nhà máy được trang bị một dây chuyền công nghệ thuộc loại hiện đại. Theo như dự tính của lãnh đạo Tập đoàn thời kỳ đó, sau khi đi vào hoạt động, nhà Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân sẽ cung cấp tới 500.000 tấn thép/năm phục vụ nhu cầu của các đơn vị đóng tàu trong Tập đoàn và xuất khẩu.

Nhưng đến nay, đã quá năm tháng kể từ ngày dự kiến tiến độ bàn giao, dự án vẫn “nằm thở” do thiếu kinh phí và đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành nghiệm thu, quyết toán bởi quá trình đầu tư manh mún, chắp vá. Nghiêm trọng hơn, Tổng thầu thi công dự án còn tự ý thay đổi thiết kế so với thiết kế gốc ban đầu dẫn đến tư vấn giám sát không đồng ý ký vào biên bản nghiệm thu…

Tận mắt chứng kiến thực trạng của Nhà máy này, trước khối lượng tài sản quá lớn của Nhà nước để lãng phí, trong lúc tình hình tập đoàn thì rất khó khăn, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự chỉ đạo Văn phòng Tập đoàn luân chuyển cán bộ tổ chức, đầu tư xuống các doanh nghiệp thành viên trong đó có cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân để nắm bắt tình hình, hỗ trợ và cơ cấu lại hệ thống tổ chức, đảm bảo quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; trong thời gian sớm nhất, phải lập lại hồ sơ dự án mới được triển khai thanh quyết toán.

Sau khi kiểm tra các dự án trong cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trương Văn Tuyến quyết định cử một cán bộ cấp cao trực tiếp xuống khu vực này làm tổng chỉ huy, rà soát lại toàn bộ hoạt động đầu tư, “gỡ mớ tóc rối cho Tập đoàn.” Cần phải tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Những giải pháp tái cơ cấu Vinashin được triển khai quyết liệt bước đầu đã có hiệu quả. Các dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại, công nhân đã trở lại làm việc. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt.

Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được nhiều con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (một tàu 53.000 tấn, một tàu 56.000 tấn, hai2 tàu 17.000 tấn) cho khách hàng và chuyển nhượng được một số dự án đầu tư ngoài ngành chính để thu hồi vốn; dồn sức hoàn tất những con tàu đang đóng dở dang

Trên cảng đóng tàu, những cánh tay cẩu khổng lồ nặng hàng chục tấn hoạt động hết công suất. Hàng trăm kỹ sư, công nhân làm việc trên con tàu chở ôtô ký hiệu HL02, sức chứa gần 5.000 chiếc ôtô - sản phẩm đang chờ ngày rẽ sóng của Công ty đóng tàu Hạ Long - một trong những “con tàu” thành viên vẫn giữ được thăng bằng sau “cơn bão”.

Đây là chiếc tàu ôtô cỡ lớn thứ 2 trong năm 2010 của Công ty đóng tàu Hạ Long, dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối tháng 3/2011. Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đóng tàu Hạ Long Bùi Đức Thận cho biết, sáu tháng đầu năm, công ty đã hạ thủy một tàu chở ôtô 4.900 xe, một tàu chở hàng 53.000 tấn; cắt tôn (khâu đầu tiên trong việc đóng một con tàu) tàu 53.000 tấn; đặt ky (đưa lên trục để bắt đầu đóng) một chiếc 53.000 tấn khác…

Trong bối cảnh khó khăn, Công ty cũng vẫn đạt được doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 40,2% kế hoạch năm. Đây là một trong những kết quả thể hiện nỗ lực lớn của hơn 5.000 công nhân viên Nhà máy đóng tàu Hạ Long trong việc triển khai quyết tâm tái cơ cấu, khôi phục sản xuất Tập đoàn.

Chứng kiến những nỗ lực vượt khó này, một số chủ tàu châu Âu từng đơn phương hủy hợp đồng trong giai đoạn khủng hoảng cũng đã quay lại đàm phán để khởi động lại những hợp đồng đóng mới.

Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long Bùi Đức Thận cam kết, với tất cả những đơn hàng đã nhận, chắc chắn nhà máy từng bước khắc phục khó khăn về vốn, bàn giao đúng tiến độ cho các chủ tàu.

Dự kiến, năm 2011, doanh thu của công ty sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng. Với những đơn hàng đang triển khai, Công ty đóng tàu Hạ Long đảm bảo cho hơn 5000 cán bộ, công nhân có việc làm ổn định đến hết năm 2015./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục