Vinatex dốc toàn lực cổ phần hóa, phát triển thương hiệu

Để cổ phần hóa thành công, Vinatex cần có tầm nhìn chiến lược 10-30 năm và phát triển, định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Với quyết định xác định giá trị doanh nghiệp của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) sau cổ phần hóa sẽ có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng; trong đó bán 49% cổ phần ra bên ngoài, còn Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần. Ðến sau năm 2017, Tập đoàn này sẽ tiếp tục bán tiếp phần vốn Nhà nước còn lại.

Hiện nay, các công tác chuẩn bị chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) đang hoàn tất và có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới tiến trình này cũng như phương án sau cổ phần hóa và chiến lược phát triển đầu tư của Vinatex.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Vinatex) xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết những chuẩn bị của Vinatex trong tiến trình cổ phần hóa đến thời điểm hiện tại?

Ông Vũ Đức Giang: Hiện nay chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn về những thủ tục pháp lý trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp; chiến lược, mục tiêu phát triển; tiêu chí chọn đối tác chiến lược, đặc biệt là định hướng xuyên suốt cho nhiệm vụ ba năm tới, từ 2014-2017 và cho nhiệm kỳ tiếp theo của Tập đoàn sau cổ phần hóa để đạt tăng trưởng từ 15%-17%/năm.

Bên cạnh đó là các giải pháp định hướng nguồn lực cán bộ, đảm bảo bộ máy điều hành phải năng động hơn nữa, sáng tạo, quyết đoán hơn.

Thực tế trong gần 20 năm vừa qua, những doanh nghiệp trong Tập đoàn đã dần cổ phần hóa để tạo sự phát triển năng động. Lãnh đạo của các doanh nghiệp này sau khi cổ phần hóa đã tỏ ra bản lĩnh, quyết đoán trong điều hành.

Những thành công của các công ty cổ phần là bài học cho Tập đoàn trong việc xây dựng chiến lược tạo nguồn lực để mô hình Tập đoàn tới đây sau cổ phần hóa cũng có nhiều màu sắc đa dạng. Tập đoàn càng lớn mạnh thì đây chính là động lực xây dựng mô hình và thu hút cổ đông trong nước cũng như nước ngoài tham gia. Bởi vì trước đây, khi còn ở mô hình 100% vốn Nhà nước, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã có hiệu quả nhưng chưa có bước phát triển nhảy vọt.

Trên thực tế, hiện chỉ còn bốn doanh nghiệp do Công ty mẹ-Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp còn lại đang tiến hành cổ phần hóa và sắp xếp lại, hoặc thoái vốn... Hầu hết các doanh nghiệp lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ trong Tập đoàn khi thực hiện tái cấu trúc đều phải bảo đảm nguyên tắc không được làm suy yếu sức mạnh của Tập đoàn, ngược lại phải phát huy, nhân rộng sức mạnh tổng hợp.

Ðến nay, mô hình tái cơ cấu Tập đoàn sau khi cổ phần hóa đã được xác định rõ. Qua thực tế triển khai, cổ phần hóa sẽ tạo cho Tập đoàn có sức mạnh tổng hợp cả về vốn, khoa học công nghệ, quản lý, nhân sự...; đồng thời giúp vượt lên những yếu kém về nhân lực, thiết kế, nguồn nguyên liệu vốn tồn tại đã lâu mà chưa được khắc phục một cách hiệu quả.

- Vinatex cần thêm những yếu tố nào để cổ phần hóa Tập đoàn thành công, thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Không chỉ tái cơ cấu vốn sở hữu, Tập đoàn đã thoái 70% vốn đầu tư ngoài ngành. Mặc dù số vốn này chỉ chiếm 2,5% tổng vốn đầu tư của Vinatex nhưng Tập đoàn kiên quyết thoái vốn ở các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và một số lĩnh vực đầu tư chưa đem lại lợi nhuận.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, việc thoái vốn của Vinatex không làm mất vốn Nhà nước mà vẫn bảo toàn được vốn, thậm chí một số khoản vốn có giá bán thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu.

Song song với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Tập đoàn, Vinatex cũng thực hiện tái cơ cấu chiến lược đầu tư của Tập đoàn. Cụ thể như tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cốt lõi, của ngành, giữ nhịp độ phát triển cân đối giữa các lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm và may... Bên cạnh đó, công tác đầu tư tập trung vào các công nghệ, thiết bị mới, bảo đảm khả năng thu hồi vốn nhanh, có hiệu quả.

Về tài chính, xác định rõ nguồn vốn sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn rà soát lại các lĩnh vực đầu tư, cân đối chặt chẽ nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển các dự án, cơ cấu lại dòng vốn, không đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực ngoài ngành, lĩnh vực không hiệu quả.

Để cổ phần hóa thành công, Tập đoàn cần có tầm nhìn chiến lược từ 10-30 năm sau nhằm tận dụng cơ hội phát triển thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm riêng của ngành Dệt May Việt Nam. Riêng Vinatex cần tiên phong trong phát triển thương hiệu, khẳng định vị thế và khả năng hội nhập cao.

Hiện nay ngành Dệt May Việt Nam mới chỉ sản xuất, bán sản phẩm ra thị trường thế giới bằng thương hiệu của nước ngoài. Do đó sắp tới, ngành cần đạt được ít nhất 5% tổng lượng hàng xuất khẩu hoàn toàn phải mang thương hiệu hàng hóa thời trang của Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập, sau khi cổ phần hóa, có cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất để tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, đồng thời sản xuất ra những thương hiệu, nhãn hiệu mang giá trị cốt lõi của quốc gia. Điều cần chú trọng hơn cả là toàn ngành phải phấn đấu có thương hiệu thời trang của Việt Nam nổi tiếng trên toàn cầu.


-Trong quá trình tiến hành cổ phần hóa, trong thời gian tới đây Tập đoàn sẽ gặp những khó khăn và thách thức nào?


Ông Vũ Đức Giang:
Tôi cho rằng khi cổ phần hóa, điều cốt lõi nhất là đội ngũ cán bộ quản lý vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp, kế đó là đội ngũ kỹ thuật, công nghệ, thị trường và thiết kế phải mạnh, gắn kết chặt chẽ hơn, tạo chuỗi để có bước phát triển đột phá, nhưng sau đó cần giữ được mức phát triển ổn định và bền vững hơn.

Cùng đó, Ban điều hành mới phải kế thừa mục tiêu của Tập đoàn, với vai trò là đơn vị dẫn đầu trong ngành Dệt May Việt Nam, từ đó khẳng định vị thế và tầm quan trọng là đơn vị chủ yếu đầu tư sản phẩm cốt lõi như xơ, sợi, phát triển trồng cây bông, sản phẩm dệt vải cao cấp phục vụ cho xuất khẩu và nội địa.

Đặc biệt hơn là với chiến lược phát triển ngành thời trang, ngành phải sản xuất ra những sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, chuyển đổi sang phương thức làm hàng FOB (mua đứt bán đoạn), ODM (sản xuất trọn gói), bán trực tiếp cho nhà mua nước ngoài và nhất là phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành từ 16%-17%/năm.

Khó khăn và vướng mắc hiện nay là cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược vào ngành dệt may còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện ở việc giá thuê đất còn cao, các địa phương lại không mặn mà với những dự án đầu tư khâu nhuộm-hoàn tất, xử lý nước thải nên khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia trong khi chất lượng chuỗi liên kết sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may còn yếu.

Tỷ trọng xuất nhập khẩu cũng chưa cân đối, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, giảm giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam. Ngoài ra, chính sách thuế, các loại phí của Việt Nam còn cao so khu vực ASEAN và thiếu tính ổn định.

Trong khi đó, việc tăng tiền lương liên tục trong thời gian qua đã làm tăng chi phí tiền lương, chi phí bảo hiểm, thêm vào đó giá điện, nước tăng, giá nguyên phụ liệu dệt may có xu hướng tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng, thậm chí doanh nghiệp còn phải chấp nhận giảm giá để giữ chân khách hàng do sức mua thị trường thế giới giảm...

Tất cả những khó khăn này khiến khả năng sinh lời của doanh nghiệp dệt may suy giảm, từ đó làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Do vậy, tôi cho rằng, để tái cơ cấu thành công, Vinatex phải đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch; trong đó xác định rõ các loại doanh nghiệp để ưu tiên phát triển hoặc thu hẹp, chuyển đổi hoặc xóa bỏ...

Giải pháp tái cơ cấu quy mô toàn Tập đoàn, đặc biệt mô hình quản trị phải phù hợp với việc cổ phần hóa. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nền tảng vững chắc do cổ phần hóa mang lại, tôi hy vọng Tập đoàn sẽ vững vàng trên lộ trình tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và luôn khẳng định được vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục