Vĩnh biệt “chàng kiếm khách hào hoa”

Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh tiểu đường và phải nhập viện vào ngày 16/11 vì bị hoại tử chân, NSƯT – danh ca Minh Phụng đã ra đi vào 7 giờ ngày 29/11 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở tuổi 65.

Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh tiểu đường và phải nhập viện vào ngày 16/11 vì bị hoại tử chân, NSƯT – danh ca Minh Phụng đã ra đi vào 7 giờ ngày 29/11 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở tuổi 65.
 
NSƯT Minh Phụng tên thật là Ngô Văn Thiệu, sinh năm 1944 tại Cai Lậy, Tiền Giang. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đông con, phải lao động phụ gia đình từ thuở bé, cậu bé Thiệu không thể nào ngờ sẽ có ngày mình trở thành một trong những ngôi sao cải lương sáng nhất.
 
Mê đàn ca tài tử từ nhỏ, lại có khiếu ấm nhạc, chỉ cần nghe trên đài phát thanh là Minh Phụng đã thuộc lòng nhiều bài ca cổ nổi tiếng. Vai diễn đầu tiên của Minh Phụng là vai một nhà sư trong vở Bến tang thương ở đoàn cải lương Tân Đô lúc anh 17 tuổi.
 
Với sắc vóc đẹp, chất giọng cao vút, Minh Phụng dần được sự chú ý của nhiều bầu gánh. Anh lần lượt qua các đoàn Thanh Phương, Quốc Việt, Thủ Đô rồi lên đến đỉnh cao sự nghiệp ở đoàn Kim Chung.
 
Anh được giao toàn vai chính và sánh đôi với nhiều nữ nghệ sĩ nổi tiếng: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Diệu Hiền. Nhưng phải đến những năm 1970, khi “cặp đôi” với Lệ Thủy trong những vở: Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang… thì tên tuổi của Minh Phụng mới thật sự chói sáng. Minh Phụng và Lệ Thủy đã tạo thành một cặp bạn diễn ăn ý, đẹp đôi đem lại nguồn lợi rất lớn cho đoàn Kim Chung.
 
Sức hút từ Minh Phụng, Lệ Thủy lớn đến nỗi báo giới Sài Gòn đã gọi hai người là “cặp bão biển đang dâng cao” khi tên tuổi cả hai là bảo chứng cho “cơn bão” khán giả hàng đêm của đoàn Kim Chung.

Sau 1975, Minh Phụng làm trưởng đoàn Tiếng hát quê hương tỉnh Bến Tre, sang hát cho đoàn Hương mùa thu (1976), rồi tự lập đoàn hát Tiếng chuông vàng (1994). Không còn hình ảnh chàng kiếm sĩ hào hoa, đa tình ở những vở tuồng màu sắc, anh gây dấu ấn qua hình ảnh những người anh hùng mới qua các vở: Lục Vân Tiên, Gánh cỏ sông Hàn…
 
NSƯT Minh Phụng ra đi nhưng hình ảnh những chàng kiếm sĩ lang bạt với vẻ đẹp hào hoa và trái tim đa cảm: Âu Thiên Vũ (Kiếp nào có yêu nhau), Tần Lĩnh Sơn (Đêm lạnh chùa hoang), Áo Vũ Cơ Hàn (Tâm sự loài chim biển)… không thể phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu cải lương.

Suất hát cuối cùng của NSƯT Minh Phụng là trong chương trình Ngọc Đáng – 40 năm son sắt với nghề vào ngày 1/11.
 
Tang lễ của NSƯT Minh Phụng được tổ chức tại nhà riêng: 791/7 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM. Lễ an táng sẽ diễn ra vào 6 giờ sáng ngày 6/12 tại nghĩa trang nghệ sĩ (Gò Vấp, TPHCM)./.

(TT&VH/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục