Vĩnh biệt người dịch "Chiều Mátxcơva" và "Đôi bờ"

Những người Việt yêu nước Nga, nhạc Nga, không ai không biết tình khúc "Chiều Mátxcơva" và "Đôi bờ" nhưng ít người biết ai dịch nó.
Những người Việt Nam yêu nước Nga, yêu nhạc Nga, không ai là không biết hai tình khúc sâu lắng "Chiều Mátxcơva" và "Đôi bờ." Hai ca khúc này đã trở thành “kinh điển” trong suốt nửa thế kỷ qua, chúng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Nhưng ai là người đầu tiên đã dịch lời của chúng sang tiếng Việt và dịch trong hoàn cảnh nào thì còn rất ít người yêu nhạc được biết. Số phận hai ca khúc nổi tiếng Ông Vương Thịnh, dịch giả lời Việt đầu tiên của các tình khúc Nga nổi tiếng "Chiều Mátxcơva""Đôi bờ" đã trút hơi thở cuối cùng hồi 15 giờ ngày 10/7, tại Bệnh viện Hữu Nghị. Một điều thú vị là cả "Chiều Mátxcơva""Đôi bờ" đều là những ca khúc được viết “theo đơn đặt hàng” làm nhạc nền cho phim và khi mới xuất hiện lần đầu theo phim thì đều chẳng mấy ai quan tâm. Với "Chiều Mátxcơva" khởi đầu, người ta đặt tên cho nó là "Đêm Leningrad" được viết làm nhạc cho một bộ phim tài liệu về một sự kiện thể thao lớn ở Liên Xô hồi cuối thập niên 50 thế kỷ trước. "Đêm Leningrad" là đứa con chung của nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoy (1907-1979) và nhà thơ Mikhail Matusovsky (1915-1990). Còn tình khúc "Đôi bờ" có tên gọi ban đầu là "Em và tôi" và còn có tên là "Bài hát của Masa" - tác phẩm chung của nhạc sĩ Andrey Yakovlevich Eshpai và nhà thơ Grigorii Mikhailovich Pozhenyan. Bài hát này được người ta đặt hàng viết minh họa cho bộ phim có tên là "Khát nước năm 1960". Ca khúc này nói về tiếng lòng của một thiếu nữ với mối tình đầu tuyệt đẹp. Nhưng đó là một mối tình vô vọng, như hai bờ của một dòng sông, không bao giờ gặp được nhau... Ca khúc “ăn theo” phim này khi mới xuất hiện cũng không được người yêu nhạc quan tâm. Nhưng điều bất ngờ là sau đó, khi hai ca tình khúc trên lần lượt được giới thiệu trên làn sóng phát thanh, đều thu hút được sự yêu thích đặc biệt của thính giả và thành công ngoài sự mong đợi của những người sáng tác ra chúng. Ngay năm 1957, "Chiều Mátxcơva" đã bất ngờ giật giải trong một cuộc thi ca khúc quốc tế và giành giải nhất tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Mátxcơva. "Chiều Mátxcơva" đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, được đặc biệt ưa thích ở Trung Quốc. Thậm chí vào những năm đỉnh cao của “Chiến tranh Lạnh” nghệ sĩ piano nổi tiếng người Mỹ Van Cliburn từng trình diễn "Chiều Mátxcơva" nhiều lần... Và cách đây chưa lâu, năm 2004, ca sĩ người Bỉ Helmut Lotti đã gây ấn tượng với thế giới khi anh trình diễn bản tiếng Anh của ca khúc kinh điển này, dưới tựa đề "Moscow Nights" trong album "From Russia With Love." Ai là người đầu tiên đã dịch Chiều Moskva ra tiếng Việt? "Chiều Mátxcơva" là một trong những ca khúc được đề nghị phát thanh nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả Liên Xô cũ. Kể từ năm 1964, giai điệu của nó được lấy làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Tin tức và Âm nhạc Mayak (Hải đăng) ở Liên Xô. Từ sau Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới ở Mátxcơva, "Chiều Mátxcơva" đã đến với công chúng Việt Nam và cũng mau chóng chinh phục trái tim người yêu nhạc, với các tên gọi khác nhau như "Chiều Mátxcơva," "Chiều ngoại ô Moskva," hay "Chiều ngoại thành Mátxcơva." Có nhiều bản dịch tiếng Việt của ca khúc, trong đó, bản sau đây được coi là Việt hóa hoàn hảo nhất, hợp với giai điệu một cách không thể ngọt ngào hơn:
Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng xuống canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến
Moskva bên chiều vắng thanh bình...

Khi về tới Việt Nam "Chiều Mátxcơva" đã trở thành bài hát Nga “đi cùng năm tháng” cùng với những tình khúc nổi tiếng khác như "Kachiusa, "Triệu bông hồng," "Kalinka,".... "Chiều Mátxcơva" đã gắn bó với tên tuổi các ca sĩ như: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...

Tác giả Đỗ Trọng Nga cho biết đã nửa thế kỷ qua, tên người dịch bản tiếng Việt của "Chiều Mátxcơva" là một bí ẩn và bản dịch, dù được rất nhiều người thuộc lòng, cho đến nay vẫn bị coi là “khuyết danh.”

Đáng tiếc là, ngay cả Từ điển mở Wikipedia tiếng Việt, trong phần giới thiệu về tình khúc "Chiều Mátxcơva" cũng mở ngoặc phần Lời Việt là “Người dịch khuyết danh;” còn phần lời Việt tình khúc "Đôi bờ" thì để trống phần dẫn nguồn.

Từng có nhiều ý kiến cho rằng ca sĩ, nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là tác giả phần lời tiếng Việt, song chính ông phủ nhận. Dịch giả Dương Tường thì đoán đó có thể là Ngô Vĩnh Viễn (1924-1994) - người có mặt tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Mátxcova năm 1957.

Ông Viễn, bút danh Nguyễn Vĩnh, từng dịch một số tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới sang tiếng Việt, như "Chuông nguyện hồn ai," "Truyện ngắn O.Henry."

Tuy nhiên, ông Viễn đã mất nên cũng không có cách nào kiểm định lại phỏng đoán của dịch giả Dương Tường. Thêm nữa, cho dù ông có mặt tại Festival nhưng điều đó không chứng tỏ ông là tác giả của bản dịch hoàn hảo nhất. "Chiều Mátxcơva" có nhiều bản tiếng Việt khác nhau, không chỉ của các nhạc sỹ mà còn của các lưu học sinh hay những người từng công tác bên Nga.

Tác giả lời Việt vừa qua đời


Giờ đây, không chỉ "Chiều Mátxcơva" mà "Đôi bờ" đều đã trở thành những bản tình ca Nga ngọt ngào luôn chinh phục, ngự trị tâm hồn những người Việt Nam đã từng đến Nga và cả những ai yêu nhạc nhưng chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất đầy tuyết trắng ấy. Nhiều người đã thuộc lòng lời Việt:

Dòng sông nước nhẹ trôi xuôi về phía chân trời
Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm
Moskva chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời...

***

Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

Nhưng còn rất ít người yêu nhạc Việt Nam biết điều này: người đầu tiên dịch "Chiều Mátxcơva" ra tiếng Việt là ông Vương Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế-Bộ Văn hóa (trước đây).

Sinh năm 1934, quê tại Bắc Giang, ông Vương Thịnh từng là một cựu chiến binh của Đại đoàn 308 từ năm 1949. Từ năm 1951-1954, ông là học viên thiếu sinh quân tại Trung Quốc. Ông cũng là một trong hàng trăm học viên Việt Nam được học lớp Nga ngữ đầu tiên ở Mátxcơva những năm đó.

Từ năm 1957-1960 và 1969-1971, ông Vương Thịnh được Nhà nước cử sang Liên Xô, công tác tại Ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh Mátxcơva, làm Biên tập và Phát thanh viên tiếng Việt cho đài này.

Do có năng khiếu thơ ca - ông Vương Thịnh đã cho xuất bản tập thơ "Một thoáng trong đời" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1997 - và yêu thích âm nhạc từ nhỏ, nên khi được cử sang Liên Xô cũ công tác, ông Vương Thịnh đã tự dịch ca khúc "Chiều Mátxcơva" đang nổi tiếng hồi đó ra tiếng Việt. Sau đó, ông còn cộng tác với Cao Thụy - sau là đạo diễn điện ảnh - dịch tiếp ca khúc "Đôi bờ."

Đại tá Vương Hồng Trường và những người anh em ông Vương Thịnh cho biết đầu thập kỷ 60, sau khi từ Liên Xô trở về nước, cùng gia đình sống ở Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, tại số 5, phố Trần Phú, Hà Nội, hai ca khúc trên đã được ông Vương Thịnh cho in thành tờ gấp khổ nhỏ, phát hành hàng ngàn bản ở miền Bắc.

"Chiều Mátxcơva" và "Đôi bờ" đã nhanh chóng được người yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận.Sau ngày nghỉ hưu, ông Vương Thịnh cùng vợ là bà Trương Thị Ký - nguyên là cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam, về sống những năm cuối đời ở số 49 phố Nguyên Hồng, Hà Nội./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục