Vĩnh Long cần giữ thế mạnh của vùng sông nước

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh Vĩnh Long cần phát huy mạnh tiềm năng, thế mạnh của vùng trọng điểm lúa, vùng sông nước có lợi thế phát triển ngành nghề thủy sản - nghề luôn đem lại hiệu quả cao trong cơ cấu kinh tế nông thôn - để giữ vững mục tiêu tăng trường kinh tế ở mức hai con số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh Vĩnh Long cần phát huy mạnh tiềm năng, thế mạnh của vùng trọng điểm lúa, vùng sông nước có lợi thế phát triển ngành nghề thủy sản - nghề luôn đem lại hiệu quả cao trong cơ cấu kinh tế nông thôn - để giữ vững mục tiêu tăng trường kinh tế ở mức hai con số.
 
Trong hai ngày 10 và 11/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cùng đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thăm và làm việc tại Vĩnh Long, một trong những vùng trọng điểm lúa hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long để nắm tình hình kinh tế-xã hội cũng như việc thực hiện Luật ngân sách nhà nước và Luật đất đai tại địa phương.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Vĩnh Long phải tiếp tục nắm lợi thế nằm trong nhóm đầu về năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh đầu tư một cách hợp lý tạo tiền đề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng công nghiệp và dịch vụ mới có thể cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, trên đà đó nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
 
Xung quanh vấn đề đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, tỉnh cũng cần cân đối, tập trung vào dự án trọng điểm, thiết thực cho yêu cầu phát triển, ông nói với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
 
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu cho biết, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển khá, luôn giữ vững mức tăng trưởng 2 con số từ nhiều năm nay, môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, nhiều năm liền năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
 
Tuy nhiên, năm 2009, Vĩnh Long cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất công nghiệp do một số dự án sản xuất kinh doanh đã cam kết đầu tư, thủ tục đã xong nhưng chưa triển khai được; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Hiệu quả tạo ra từ huy động vốn đầu tư giảm do giá cả tăng, đầu tư từ ngân sách còn hạn chế và huy động vốn trong dân và đầu tư nước ngoài còn ít. Một nguy cơ là tỷ lệ hộ thoát nghèo có thể tái nghèo.
 
Hoàng Yến & Phạm Thị Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục