Vĩnh Phúc: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

Quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân” luôn được tỉnh Vĩnh Phúc đặt lên hàng đầu, xuyên suốt quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Dây chuyền sản xuất phanh của Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất phanh của Công ty Sản xuất phanh Nissin Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Thời gian qua tại Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp đã có sự phát triển mạnh, nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực này.

Mặc dù các địa phương đã quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường, song vì nhiều nguyên nhân, đây vẫn là một vấn đề nan giải, công tác này vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Hướng tới phát triển "công nghiệp sạch"

Mặc dù những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhưng quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân” luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu, xuyên suốt quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Do vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ sản xuất công nghiệp đến môi trường, từng bước hướng tới phát triển “công nghiệp sạch.”

Theo đó, các ngành chức năng và các địa phương không ngừng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, khí thải tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

[Tháo gỡ khó khăn khi thu hút đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ vào Vĩnh Phúc]

Số liệu của Ban Quản lý các khu công nghiệp, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với 29 dự án đầu tư; tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 47 dự án; bổ sung ý kiến xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho 15 dự án.

Đồng thời, thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, kiểm soát các nguồn thải của 62 doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra việc lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt, xác nhận chỉ số đồng hồ giám sát khối lượng nước thải, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đã kiểm tra, phát hiện 10 doanh nghiệp vi phạm một số quy định trong bảo vệ môi trường như chưa ký hợp đồng thu gom xử lý nước thải công nghiệp; chưa đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định... Đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo giải trình, nhanh chóng sửa chữa, khắc phục vi phạm.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không ưu tiên thu hút đầu tư mà xem nhẹ nhiệm vụ xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường.

Các biện pháp "giảm tải" cho môi trường vẫn chưa hoàn toàn hiệu quả

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 11 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch trên 2.300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 72%; 14 cụm công nghiệp với diện tích trên 300 ha.

Định hướng đến năm 2020, tổng diện tích dành cho phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn là 5.540 ha với 19 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp. 

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo sự "quá tải" về môi trường.

Theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 190.000 tấn/năm. Trung bình mỗi ngày, tổng lượng nước thải các khu công nghiệp thải ra môi trường hơn 8.000m3.

Đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 18.800m3/ngày đêm. Tuy nhiên, công suất thực tế hiện nay mới chỉ đạt 8.200 m3/ngày đêm.

Tại hầu hết các địa phương vẫn tồn tại những khu công nghiệp dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, như hệ thống thoát nước; xử lý chất thải rắn công nghiệp; quan trắc môi trường…

Bên cạnh đó, ý thức trong công tác bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất, chưa thực hiện đấu nối xả nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa lắp trạm quan trắc tự động.

Trong khi việc xử lý chất thải nguy hại còn khó khăn, mức giá dịch vụ cao nên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường phải hợp đồng với đối tác nước ngoài, mất nhiều chi phí.

Cũng theo các ngành chức năng, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu do chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư.

Các chủ kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường thiết yếu như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.

Các chương trình hỗ trợ từ cơ quan chức năng chỉ tập trung giải quyết vấn đề cải thiện môi trường đầu tư trong khi có rất ít dự án giám sát ô nhiễm môi trường và thống kê chất lượng nước thải tại khu công nghiệp một cách toàn diện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục