VinUni và khát vọng đại học tinh hoa: Thách thức 'săn' người tài

Đánh giá cao khát vọng xây dựng đại học tinh hoa, đào tạo nhân tài của Đại học VinUni, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng trường đại học này sẽ không dễ để "săn" được người tài.
Mô hình Đại học VinUni. (Ảnh: VinUni)
Mô hình Đại học VinUni. (Ảnh: VinUni)

Đại học VinUni đặt khát vọng hướng tới đại học tinh hoa, là nơi đào tạo tài năng thành nhân tài thực sự. Tuy nhiên, tại buổi Coffee Chat cùng VinUni với chủ đề “Các đại học tinh hoa tìm kiếm và hỗ trợ tài năng như thế nào?” do VinUni tổ chức ngày 12/11, nhiều ý kiến cho rằng để “săn” được người tài là một trong những thách thức lớn nhất, cho dù Đại học này đã công bố nhiều chương trình học bổng hấp dẫn.

Người tài có nhiều lựa chọn

Theo bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Điều hành Dự án Đại học VinUni, VinUni rất coi trọng việc thu hút tài năng và đã tìm hiểu công tác tuyển sinh ở nhiều trường đại học tinh hoa trên thế giới. Kết quả cho thấy, các đại học tinh hoa tuyển chọn người tài không chỉ dựa trên điểm số học tập mà cần xét tới tố chất con người. “Đó phải là người tố chất thông minh, có tầm trong nhận thức, tư duy sáng tạo (không chấp nhận việc coi các vấn đề bình thường là đương nhiên, luôn sẵn sàng với các vấn đề mới, câu hỏi mới) và có sự kiên định, kiên cường. Đó là những con người đại học nên tìm kiếm,” bà Lan nói.

Tuy nhiên, giáo sư Mai Trọng Nhuận-nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng trong môi trường văn hóa “dàn hàng ngang mà tiến” như ở Việt Nam thì việc nhận diện người tài như tiêu chí VinUni mong muốn là điều rất khó khăn.

VinUni và khát vọng đại học tinh hoa: Thách thức 'săn' người tài ảnh 1Bà Lê Mai Lan chia sẻ về tham vọng của VinUni. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhận diện được đã khó, giữ được người tài lại càng khó. Theo ông Nhuận, người tài ngày nay có rất nhiều cơ hội đi khắp thế giới khi nhiều đại học tinh hoa quốc tế vẫy gọi họ. Trong đó, rất nhiều trường có các chương trình học bổng hấp dẫn. Du học nước ngoài, họ có cơ hội để hoàn thiện ngoại ngữ, tìm hiểu nền văn hóa mới, hòa mình trong môi trường quốc tế.

[VinUni và tham vọng xây dựng mô hình đại học chưa từng có ở Việt Nam]

Lầy bài học từ chính quá trình công tác của mình, ông Nhuận cho hay Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học đầu tiên ở Việt Nam mở chương trình đào tạo cử nhân tài năng từ năm 1997 và  cấp học bổng cao. “Lúc đó hợp tác quốc tế rất ít và chưa có nơi nào ở Việt Nam mở đào tạo cử nhân tài năng nên tuyển sinh rất tốt, nhưng sau ba năm thì nhiều trường cũng bắt đầu có mô hình này nên nguồn tuyển giảm đi. Đó là chưa nói đến sức hút của các trường nước ngoài như hiện nay thì việc tuyển người tài càng khó khăn hơn,” giáo sư Mai Trọng Nhuận chia sẻ.

Cũng theo giáo sư Mai Trọng Nhuận, trong khi ở nước ngoài có văn hóa trả tiền đúng với giá trị đào tạo, chất lượng nào giá cả đó, thì ở Việt Nam, nghịch lý là học phí càng cao thì khả năng chọn được người tài lại khó hơn. Trừ khi phải cấp học bổng rất hào phóng, nếu không trường sẽ rất khó để thu hút người giỏi.

“Không có người học tinh hoa thì rất khó đào tạo tinh hoa và rất rất khó để đào tạo ra nhân tài. Tôi cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của VinUni,” giáo sư Nhuận nhận định.

[Lần đầu tiên trường hàng đầu thế giới bắt tay xây dựng đại học Việt]

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng-nguyên Phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội cho hay VinUni có lợi thế về sức hút khi VinGroup là một tên tuổi lớn ở Việt Nam, lại có sự hợp tác với các đại học tốp 20 thế giới là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania. “Nhưng đúng là tuyển sinh không dễ vì cạnh tranh không đơn giản. Chúng ta đã có các trường mở ra cũng đào tạo chất lượng cao như Đại học Việt Nhật, Đại học Fullbright Việt Nam... tại sao người tài lại muốn chọn VinUni? Đó là câu hỏi tôi nghĩ nên cố gắng trả lời, nghĩa là phải nói được rõ về sự khác biệt của VinUni. Trả lời câu hỏi đó là rất quan trọng không chỉ để tuyển sinh mà còn định hướng phát triển,” ông Dũng phân tích.

VinUni và khát vọng đại học tinh hoa: Thách thức 'săn' người tài ảnh 2Giáo sư Mai Trọng Nhuận chia sẻ về khó khăn khi đào tạo tinh hoa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần học hỏi cả mô hình thất bại

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về đại học tinh hoa, giáo sư Mai Trọng Nhuận cho biết bên cạnh việc phải có người học tài năng thì một đại học tinh hoa còn cần các yếu tố liên quan cũng phải tinh hoa, từ người dạy, quản trị đại học, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất…

Với nguồn tài chính dồi dào, VinUni sẽ không quá khó để có cơ sở vật chất, người dạy tinh hoa, chương trình đào tạo tốt… Tuy nhiên, vấn đề ông Nhuận băn khoăn là đảm bảo môi trường tinh hoa, nhất là gắn với văn hóa Việt Nam.

[Đại học VinUni công bố nhiều chính sách học bổng cho sinh viên]

Từ khảo sát thực tế nhiều đại học tư thục trong nước, ông Nhuận cho biết hầu hết các trường đều có sự mâu thuẫn giữa quản trị doanh nghiệp và tự do học thuật của đại học. Trong khi quản trị doanh nghiệp muốn có sự tuân thủ từ trên xuống, tạo sức ép, thì giáo dục đại học muốn phát triển lại cần sự tự do học thuật, tự do sáng tạo. “Tuân thủ sẽ giết chết sự sáng tạo, tài năng sẽ chết trong môi trường bị đè nén. Môi trường tinh hoa là môi trường thúc đẩy và bảo vệ sự sáng tạo. Nếu thiếu môi trường tinh hoa thì không có sản phẩm tinh hoa. Muốn đảm bảo chất lượng tinh hoa cần có đội ngũ là những người dám nói thật, nhìn thật, đủ bản lĩnh và trí tuệ làm việc thật,” ông Nhuận nói.

Cũng gắn với văn hóa Việt Nam, nơi “dàn hàng ngang mà tiến”, “cứ cây cao mà chặt”, ông Nhuận cho rằng VinUni còn phải trang bị thêm cho các tài năng của mình khả năng tự bảo vệ, chống chọi trước các vấn đề trong cuộc sống để không bị “chặt”, có đủ bản lĩnh để tự bảo vệ sự khá biệt và được xã hội thừa nhận là nhân tài.

VinUni và khát vọng đại học tinh hoa: Thách thức 'săn' người tài ảnh 3Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng VinUni phải nên nghiên cứu cả các mô hình thất bại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng tình với những phân tích của giáo sư Mai Trọng Nhuận, tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, VinUni không chỉ cần nghiên cứu các mô hình đại học tinh hoa thành công trên thế giới, mà còn phải nghiên cứu cả những mô hình thất bại để rút ra bài học, nhất là các mô hình ở Việt Nam.

“Nhiều đại học Việt Nam có chương trình đào tạo tài năng, xa hơn nữa ở bậc phổ thông có trường chuyên, cũng là nơi đào tạo tài năng ở mức nhất định. VinUni nên nghiên cứu vì sao họ chỉ dừng ở đó, còn đào tạo tài năng ở mức tinh hoa được thế giới ghi nhận thì chưa có. Câu trả lời sẽ rất quan trọng với VinUni vì điều đó gắn với văn hóa, môi trường xã hội Việt Nam. Khi đó, VinUni sẽ có được những định hướng tốt hơn,” ông Dũng nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục