Vitamin B6 và axít amino giúp giảm ung thư phổi

Nếu những người hút thuốc lá có nồng độ vitamin B6 cao và một lượng axít amino nhất định sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Theo một kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí của "Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ" số ra tháng 6/20101, những người hút thuốc lá có nồng độ cao vitamin B6 và một lượng axít amino nhất định ít có nguy cơ hơn mắc các triệu chứng ung thư phổi hơn so với những người thiếu các chất dinh dưỡng này.

Nghiên cứu được tiến hành đối với 400.000 người đang hút thuốc và đã từng hút thuốc ở 10 quốc gia châu Âu cho thấy những người có nồng độ cao các chất vitamin B6 và axít amino, được tìm thấy ở hầu hết các protein, có nguy cơ thấp hơn 50% mắc bệnh ung thư phổi.

Ngoài ra, những người đang hút thuốc và đã từng hút thuốc có nồng độ huyết thanh folate cao hơn cùng với một lượng cao vitamin B6 và axít amino trong máu của họ cũng có nguy cơ thấp hơn 67% mắc căn bệnh này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không kết luật rằng việc uống nhiều chất dinh dưỡng kể trên có thể giảm nguy cơ ung thư phổi, mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bỏ thói quen xấu hút thuốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có tới 1,3 triệu người chết vì bị ung thư phổi, chiếm gần 18% tất cả các ca tử vong do ung thư.

Ung thư phổi được chia làm hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, tùy thuộc vào hình dạng tế bào dưới kính hiển vi. Mỗi loại ung thư phát triển và lan theo những cách khác nhau và được điều trị khác nhau.

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thường gặp hơn ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 80%) và nó thường phát triển và lan chậm hơn.

Có ba loại ung thư không phải tế bào nhỏ chủ yếu, chúng được đặt tên theo loại tế bào từ đó ung thư phát triển: Ung thư biểu mô tế bào vẩy (còn được gọi là ung thư dạng biểu bì), ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một vài nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, hầu hết có liên quan tới việc sử dụng thuốc lá.

Triệu chứng của bệnh là đa số bệnh nhân ung thư phổi lúc đầu đều ho khan hoặc ho có đờm, thường vào buổi sáng. Ho kéo dài và các thuốc chống viêm, trị ho không có tác dụng. Một nửa số người bệnh ho ra ít máu lẫn đờm.

Bệnh nhân ung thư cũng thường bị đau ngực. Thường không có điểm đau rõ rệt, đau bên có tổn thương giống viêm dây thần kinh liên sườn. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay.

Về điều trị, tùy theo từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật (cắt phân thùy phổi, thùy phổi, thậm chí toàn bộ lá phổi có khối u, lấy bỏ hạch di căn nếu có) hoặc điều trị tia xạ (đơn thuần hay phối hợp) và dùng thuốc.

Cách phòng ngừa ung thư phổi là tạo môi trường sống trong sạch, bầu không khí trong lành; Không hút thuốc lá, điều trị khỏi những bệnh của phế quản, phổi như viêm phế quản mạn, lao phổi.

Ở tuổi 40 trở lên, nên đi khám bệnh, chụp X-quang phổi định kỳ sáu tháng hoặc một năm./.

Khắc Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục