V-League: Thành hay bại tại ngoại binh

V-League 2009 mới đi được hơn nửa chặng đường, nhưng danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng cho đội bóng mình đều là ngoại binh.
Đã 6 mùa giải liên tiếp, danh hiệu Vua phá lưới V-League luôn dành cho cầu thủ ngoại. Mùa giải 2009 mới đi được hơn nửa chặng đường, nhưng danh sách các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng toàn là ngoại binh: Lazaro (Quân khu 4), Merto S.Gaston, Almeida (SHB Đà Nẵng).
 
Họ đang dần trở thành thế lực không thể thay thế tại giải đấu mà các cầu thủ nội vẫn đang mờ nhạt. “Nghèo cũng phải có… ngoại binh”. Dường như ngoại binh đã là một phần không thể thiếu của mỗi đội bóng chuyên nghiệp. Họ coi đây là nhân tố quan trọng bậc nhất đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu của mình. Thậm chí nhiều câu lạc bộ đã tìm cách nhập quốc tịch cho nhiều cầu thủ ngoại nhằm tối đa hóa số ngoại binh ra sân.
 
Thanh Hóa dù rơi vào tình thế khó khăn vẫn rút hầu bao để mua Gaston Raul và Nuness Fabio. Nam Định mang về Daniel và mượn Deco từ Vissai Ninh Bình. T&T Hà Nội vơ về những ngoại binh thất thế Agostino, Casiano, rồi cả Francois Endene, người mà ông Lê Thụy Hải đã ngán đến tận cổ.
 
“Cơn sốt Brazil” đã lên đến đỉnh điểm với vụ chuyển nhượng ầm ĩ và đình đám nhất của Ximăng Hải Phòng. Dù nhanh đến rồi nhanh đi, nhưng Denilson đã khiến V-League nổi sóng. Thể Công mang về bộ ba Gisbon-Valder-Devison, tiện sắm thêm Abbey. Bình Dương mua thêm một ngoại binh là Karem. SHB Đà Nẵng đã hoàn tất việc nhập quốc tịch cho Rogerio đồng thời bổ sung thêm cầu thủ Cesar từ Argentina.
 
Huấn luyện viên Lê Thụy Hải từng đưa ra một công thức là đội nào muốn vô địch V-League phải có ít nhất là 8 cầu thủ tốt với 4 tuyển thủ quốc gia, 3 cầu thủ ngoại loại hay, thủ môn tốt + kinh tế mạnh. Như vậy để thấy, ông Lê Thụy Hải cũng như quan điểm của lãnh đạo nhiều đội bóng khác đều đề cao vai trò của ngoại binh.
 
Điều đó gần như là một chân lý khi có những giai đoạn mà ngoại binh dù chỉ được ra sân tối đa là 3 người mỗi đội nhưng đóng góp đến 65,33% bàn thắng ghi được của V-League. Các ngoại binh đã đặt dấu ấn quyết định tới điểm số của các đội bóng như Timothy, Lazaro, Evaldo ở các đội bóng Đồng Tháp, Quân khu 4 và Hoàng Anh Gia Lai... Cũng dễ hiểu khi dấu ấn ngoại binh làm mờ nhạt các cầu thủ nội.
 
Ngay cả trường hợp khả quan nhất là Công Vinh cũng chẳng bắt kịp các chân sút ngoại. Vừa ghi tới 4 bàn thắng vào lưới Thanh Hóa để nâng bàn thắng của mình lên con số 9, nhưng Công Vinh cũng không có nhiều cơ hội cạnh tranh vua phá lưới mùa giải 2009, vì thực lực của T&T Hà Nội khá đuối.
 
Sau khi Quân khu 4 thua SHB Đà Nẵng 1-2 trên sân nhà, cũng là trận thua thứ 5 liên tiếp tính từ đầu giai đoạn lượt về, huấn luyện viên Vũ Quang Bảo đã không ngần ngại chỉ ra một phần nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội nhà là do phong độ thi đấu yếu kém của ngoại binh. Ông còn thẳng thắn chỉ ra rằng, Lazaro và hai đồng nghiệp ngoại binh lo giữ chân, thi đấu cầm chừng để tránh chấn thương, tìm kiếm những bản hợp đồng hậu hĩ hơn thì tiền đạo người Brazil này lại lên tiếng phủ nhận.
 
Trước sức ép của dư luận, người hâm mộ, sự hồ nghi của các đồng đội và ban huấn luyện, Lazaro đã chủ động lên mặt báo thanh minh rằng, mình không còn duy trì được phong độ, như nửa chặng đường đầu tiên của mùa giải là do đã bị hậu vệ đối phương bắt bài. Đúng sai như thế nào, chỉ những người trong cuộc như huấn luyện viên Vũ Quang Bảo hay bản thân cầu thủ mới hiểu.
 
Có một thực tế không thể phủ nhận, tân binh Quân khu 4 phụ thuộc hoàn toàn vào phong độ thi đấu của ngoại binh. Khi Moses, Mota, Lazaro tỏa sáng thì đội bóng áo lính này thăng hoa, ngược lại, họ chỉ biết đến thua và thua, ngay cả một trận hòa cũng chưa thể kiếm nổi.
 
Trường hợp Quân khu 4 không còn là cá biệt tại V-League hiện nay. Bóng đá Việt Nam ngày càng tiến lên chuyên nghiệp hóa một cách toàn diện nhưng đi kèm với đó là sự lệ thuộc ngày càng trở nên tuyệt đối vào cách ngoại binh.
 
Lấy Bình Dương là một ví dụ, câu lạc bộ đương kim vô địch V-League có nhiều tuyển thủ quốc gia, tuyển thủ Olympic trong đội hình, nhưng họ sẽ chẳng thể hiện được sức mạnh, năng lực thực sự của mình nếu những Kesley Alves, Philani, Helio, Mbabazi, Lima, Nkemi không thi đấu.
 
Mới đây, khi Ximăng Hải Phòng đưa về nhà vô địch World Cup 2002, Denilson để đánh bóng thương hiệu. Ngặt nỗi, vì đã quá nôn nóng và thiếu chuyên nghiệp trong các thủ tục nên Ximăng Hải Phòng đã xem nhẹ việc kiểm tra sức khỏe tổng thể.
 
Denilson ra đi, bỏ Ximăng Hải Phòng ở lại với mối lo lực lượng, đến nỗi huấn luyện viên Vương Tiến Dũng phải than thở, trong những vòng đấu còn lại, Ximăng Hải Phòng sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng vì chỉ còn 4 cầu thủ ngoại trong đội hình, đã thế, tiền đạo Ewerson mới đến nên chưa hòa nhập được với lối chơi của đội.
 
Những trường hợp Timothy của Đồng Tháp hay Almeida của Đà Nẵng cũng khiến các đội bóng này không yên ổn khi biết là họ bị chèo kéo mà không làm được gì. Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng các câu lạc bộ đều không thể tránh được sự lệ thuộc quá nhiều vào những cầu thủ ngoại.
 
Từ đội đầu bảng SHB Đà Nẵng cho tới các đối thủ bị nhận diện là chủ nhân của hai tấm vé rớt hạng như Thanh Hóa và Quân khu 4, tất cả đều đang trông chờ vào ngoại binh cũng như phải chịu những hệ luỵ từ đội ngũ này./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục