VN cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 8/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneve (Thụy Sỹ), Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của LHQ về tình hình bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia thành viên LHQ đã xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam.

Ngày 8/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneve (Thụy Sỹ), Nhóm làm việc của Hội đồng nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của LHQ về tình hình bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia thành viên LHQ đã xem xét báo cáo của Chính phủ Việt Nam.
 
Tham dự khóa họp có đầy đủ 192 thành viên của Hội đồng nhân quyền, nhiều tổ chức trực thuộc LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Đoàn đại biểu nước ta tham dự khóa họp với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan Nhà nước có liên quan là Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn phòng Chính phủ; Ban Tôn giáo của Chính phủ; Ủy ban Dân tộc, và đại diện của một số tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
 
Trình bày báo cáo tại cuộc đối thoại, ông Phạm Bình Minh, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền, nêu rõ rằng Việt Nam coi trọng việc chuẩn bị Báo cáo UPR để thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, rút kinh nghiệm và đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người ở Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế.

Thứ trưởng khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ở Việt Nam, các dân tộc chưa từng có xung đột sắc tộc và các tôn giáo cùng chung sống hòa bình. Bảo đảm quyền con người là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam vì đã từng bị tước bỏ những quyền tự do cơ bản nhất khi phải làm người dân thuộc địa và đã trải qua muôn vàn hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để giành lại quyền sống.
 
Thứ trưởng đề cập những thành tựu của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện về đảm bảo, thúc đẩy quyền con người và nhấn mạnh rằng hệ thống kiểm tra, giám sát và thực hiện pháp luật ở Việt Nam gồm không chỉ các cơ quan Nhà nước mà cả các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp với sự tham gia của nhân dân và không ngừng được đổi mới theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Quốc hội giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của Nhà nước, chất vấn các thành viên Chính phủ. Các cơ quan tư pháp, trong đó có tòa án là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.
 
Sau khi nêu bật sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về các loại hình thông tin đại chúng, đời sống tín ngưỡng sinh động và phong phú trong xã hội Việt Nam cũng như việc đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em và người tàn tật, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng chính nhờ việc đảm bảo các quyền con người, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc Đổi mới vừa qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao liên tục trên 7%/năm trong hơn một thập kỷ qua. Việc gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tốt và đời sống văn hóa có tiến bộ cụ thể. Sau 20 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 5 lần; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia giảm 4 lần (từ 60% xuống còn 13,8%) và được LHQ cùng nhiều đối tác phát triển nhìn nhận là một trong số những nước đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất.
 
Thứ trưởng cũng thừa nhận ở Việt Nam vẫn còn những bất cập, khó khăn tồn tại cần giải quyết, trong đó hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong qua trình đảm bảo quyền con người.
 
Sau phần trình bày của Thứ trưởng Phạm Bình Minh, đại diện 60 nước ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Phi, và châu Mỹ đã trực tiếp tham gia đối thoại với Việt Nam. Các đại biểu đều đánh giá Báo cáo của Việt Nam được chuẩn bị công phu, cung cấp thông tin toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quần chúng, và nhận được đóng góp của người dân. Cách đề cập cởi mở của Việt Nam nhận được sự hoan nghênh rộng rãi. Nhiều nước nhấn mạnh trình bày của Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu bật bức tranh tổng thể, đồng thời đề cập cụ thể những vấn đề các nước quan tâm về chính sách, cam kết cũng như kết quả đạt được về đảm bảo quyền con người của Việt Nam.
 
Nổi bật trong phát biểu của các nước là sự đánh giá cao đối với những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam và cam kết rõ ràng của Nhà nước Việt Nam đối với việc thúc đẩy quyền con người. Sự cam kết đó đã được thể hiện cụ thể bằng pháp luật, trong đó có những nỗ lực xây dựng luật pháp trong những năm gần đây, các chương trình đưa đến kết quả tích cực về tăng cường các cơ chế đảm bảo dân chủ cho người dân và tiến bộ nổi bật về phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bình đẳng giới, chăm lo đời sống văn hóa, tôn trọng quyền tín ngưỡng của nhân dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cho đồng bào thiểu số và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em, người tàn tật.
 
Là nước phát biểu đầu tiên, Algeria đặc biệt hoan nghênh ưu tiên của Nhà nước Việt Nam về tạo công ăn việc làm. Các nước châu Phi khác như Benin, Morocco, Nigeria, Nam Phi, Mauritius, Burkina Faso, Zimbabwe, Tunisia và Côte d'Ivoire bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn của Việt Nam do hậu quả chiến tranh, đất nước còn nghèo và đề cao kết quả đạt được là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển đồng đều, đạt và vượt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), đảm bảo lương thực, cung cấp dịch vụ y tế cơ sở cho người dân, nhất là ở các vùng nông thôn.
 
Các nước khu vực Mỹ Latinh, trong đó có Mexico, Chile, Brazil, Venzuela nêu đậm những nỗ lực của Việt Nam về thực hiện phát triển, cải cách tư pháp, thúc đẩy bình đẳng giữa các dân tộc, đồng thời cũng chia sẻ ý kiến chung kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho công cuộc phát triển ở Việt Nam. Cuba đánh giá cao Việt Nam đạt được tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực quyền con người.
 
Các nước ASEAN nhấn mạnh việc Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về nhân quyền, tăng cường sự phối hợp của Việt Nam để thành lập cơ chế nhân quyền ASEAN; ghi nhận thành công của Việt Nam trong việc giữ vững ổn định xã hội. Đoàn Trung Quốc đánh giá cao cách đề cập xây dựng của Việt Nam đối với cơ chế UPR, chính sách phát triển cân bằng cả về kinh tế và xã hội. Đại biểu Sri Lanka cho rằng sự nỗ lực phấn đấu, hy sinh của nhân dân Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua có thể coi là biểu tượng phấn đấu vì quyền con người trên thế giới. Nhật Bản đặc biệt hoan nghênh thành tựu của Việt Nam về MDG
 
Đoàn đại biểu Nga đánh giá cao về kết quả nâng cao mức sống của người dân Việt Nam, tận dụng các thành tựu thông tin để phát triển quyền con người. Na Uy ghi nhận tiến bộ xuất sắc của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội. Thuỵ Sỹ, Australia hoan nghênh Việt Nam đã chủ động tranh thủ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, ghi nhận chất lượng về đối thoại nhân quyền mang tính xây dựng với các đối tác quốc tế. Đoàn Anh hoan nghênh tiến bộ ở Việt Nam trong việc tăng cường các quyền kinh tế, xã hội và tự do tôn giáo. Đại biểu Phần Lan đề cập những thành tựu của Việt Nam trong những năm gần đây về kết quả hiện đại hóa nền kinh tế và giảm nghèo.
 
Tại cuộc họp, cũng có một số ý kiến còn dựa trên thông tin sai lệch, phản ánh không khách quan tình hình dân chủ và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Trong tinh thần đối thoại cởi mở, chân thành, đoàn Việt Nam đã khẳng định lại chính sách rõ ràng, nhất quán của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin và trao đổi thẳng thắn đối với các ý kiến này của một số nước.
 
Cơ chế UPR được thành lập theo Nghị quyết 60/251, được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 15/3/2006. Tới nay, Hội đồng nhân quyền đã tiến hành bốn khóa họp xem xét báo cáo của 64 quốc gia thành viên. Khóa họp hiện nay là khóa họp thứ năm được tiến hành từ ngày 4-15/5/2009, xem xét báo cáo của 16 nước, trong đó có Việt Nam./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục