"VN có thể thành trung tâm sản xuất đồ lưu niệm"

Việt Nam và Thái Lan đang có tiềm năng rất lớn để trở thành các trung tâm chuyên về sản xuất và thiết kế hàng lưu niệm và đồ gỗ.
Tổng Thư ký Liên hiệp Thái Lan về các sản phẩm làm tươi đẹp cuộc sống, ông Jirabool Vittayasing nói rằng kế hoạch lập Liên đoàn công nghiệp sản xuất hàng lưu niệm ASEAN sẽ giúp bán được nhiều mặt hàng ra các thị trường bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đồng thời góp phần làm giảm nhu cầu nhập khẩu.

Theo ông Jirabool Vittayasing, Việt Nam và Thái Lan đang có tiềm năng rất lớn để trở thành các trung tâm chuyên về sản xuất và thiết kế những sản phẩm đó trong khu vực.

Các nhà thủ công mỹ nghệ trong khu vực Đông Nam Á đang có kế hoạch lập Liên đoàn công nghiệp sản xuất hàng lưu niệm ASEAN trong năm nay, để có thể vừa hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong khâu thiết kế, vừa nâng cao sức cạnh tranh và khả năng mặc cả trên thị trường quốc tế.

Theo ông Jirabool, việc thực hiện sáng kiến chung sẽ tạo điều kiện cho các nước khu vực phát huy thế mạnh của mình. Chẳng hạn như Singapore và Malaysia có thể tập trung vào lĩnh vực thương mại, Việt Nam và Thái Lan chú trọng vào sản xuất và thiết kể, trong khi Indonesia sẽ là nguồn cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.

Ngoài ra, sự hợp tác với Hiệp hội quốc tế thúc đẩy các sản phẩm (PPAI) có trụ sở ở Mỹ và một số hiệp hội có ảnh hưởng khác sẽ giúp những nhà sản xuất ASEAN học hỏi thêm về công nghệ và chuyển giao kỹ thuật.

Trước đó, ông Dhanakorn Kasetrsuwan, Phó chủ tịch Hội đồng các ngành công nghiệp đồ gỗ ASEAN (AFIC), đã nói rằng Thái Lan vừa đề nghị lập một cụm ngành sản xuất đồ gỗ trong khu vực để giúp nâng cao tính hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất khu vực trước ngày ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Ông Dhanakorn cho biết thêm khi Hiệp hội ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất dự kiến vào năm 2015 thì khu vực sẽ mở cửa hơn đối với dòng chảy về nguồn vốn, thông tin và lao động.

Tổng giá trị buôn bán đồ gỗ trong khu vực sẽ tiếp tục tăng nếu các nhà sản xuất hợp tác hiệu quả và giữ cho giá cả ở mức cạnh tranh. Được thành lập năm 1978, hiện AFIC có bảy thành viên là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Philippines; trong đó Việt Nam đang là nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Hiệp hội với giá trị lên tới 3,9 tỷ USD năm 2011, so với 3,44 tỷ USD năm 2010.

Malaysia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,47 USD năm 2010, còn Thái Lan xếp thứ tư (khoảng 1,1 tỷ USD) năm ngoái. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các nước thành viên khác đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, hướng nhiều tới châu Á và tăng cường chuỗi sản xuất trong khu vực./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục