VN coi trọng tìm giải pháp chính trị toàn diện xung đột Darfur

Ngày 9/2, nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị toàn diện và lâu dài cho xung đột Darfur, miền Tây Sudan, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nêu rõ Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực trung gian hòa giải của nhóm hỗn hợp gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arập và Qatar nhằm sớm nối lại tiến trình chính trị tại Darfur.

Ngày 9/2, nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị toàn diện và lâu dài cho xung đột Darfur, miền Tây Sudan, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nêu rõ Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực trung gian hòa giải của nhóm hỗn hợp gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arập và Qatar nhằm sớm nối lại tiến trình chính trị tại Darfur.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Phái bộ hỗn hợp của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID), Đại sứ Bùi Thế Giang, tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo còn khó khăn tại Darfur, cũng như những thách thức mà UNAMID đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, Đại sứ ghi nhận những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây như việc Chính phủ Sudan đơn phương tuyên bố ngừng bắn, phát động sáng kiến hòa bình, gia hạn hoạt động cho các nhân viên nhân đạo tại Darfur và cải thiện quan hệ với Cộng hòa Chad góp phần cải thiện tình hình an ninh và nhân đạo tại Darfur và tiểu khu vực.

Đại sứ cũng hoan nghênh việc Chính phủ Sudan thông báo "sẵn sàng ký hiệp định hòa bình với các nhóm phiến quân," ghi nhận những bước đi mang tính chất hòa giải giữa ác lực lượng khác nhau ở Sudan, kêu gọi tất cả các bên thể hiện ý chí chính trị, biến ý chí chính trị thành hành động thực tiễn và tích cực hưởng ứng sáng kiến hòa bình do chính phủ phát động. Đồng thời, Đại sứ ủng hộ và đánh giá cao những đóng góp của UNAMID vào việc cải thiện tình hình an ninh và nhân đạo cũng như hỗ trợ tiến trình hòa bình Darfur.

Trên tinh thần đó, Đại sứ Bùi Thế Giang hoan nghênh những hoạt động hợp tác trong cơ chế ba bên giữa Chính phủ Sudan với Liên hợp quốc và AU, và tỏ hy vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy việc sớm triển khai đầy đủ UNAMID.

Trong một báo cáo mới đây, Liên hợp quốc thừa nhận UNAMID đang phải đối mặt với những "thách thức to lớn" sau gần một năm được triển khai tại khu vực đầy bất ổn Darfur. Lực lượng gìn giữ hòa bình này thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công chết người trong khi họ lại đang thiếu những phương tiện tác chiến thiết yếu, bao gồm cả 24 máy bay lên thẳng để tuần tra khu vực rộng lớn này.

UNAMID được dự kiến ban đầu với quân số 26.000 người, trở thành phái bộ gìn giữ hòa bình lớn nhất thế giới của Liên hợp quốc, nhưng đến hết năm nay cũng sẽ mới chỉ triển khai được khoảng 60% tại Darfur.

Darfur rơi vào xung đột triền miên kể từ năm 2003 khi lực lượng nổi dậy của các cộng đồng thiểu số tiến hành bạo lực vũ trang chống lại lực lượng cầm quyền do người Arập chiếm đa số. Thống kê của Liên hợp quốc cho biết đã có khoảng 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong cuộc xung đột này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục