VN đạt mức cao về điều tra địa chất và khoáng sản

Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết Việt Nam đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á về điều tra địa chất, khoáng sản.
Tại Hội nghị khoa học địa chất và khoáng sản tổ chức tại Hà Nội ngày 1/10, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẳng định Việt Nam đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á về điều tra địa chất, khoáng sản.

Theo thông báo mới nhất về những kết quả điều tra, nghiên cứu của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, bản đồ địa chất, khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000 đã được thành lập trên toàn lãnh thổ và xuất bản để sử dụng rộng rãi.

Kết quả điều tra thăm dò cho thấy càng điều tra lớn, điều tra đánh giá khoáng sản với thiết bị điều tra càng hiện đại thì chủng loại khoáng sản của Việt Nam ngày càng đa dạng, trữ lượng tài nguyên khoáng sản ngày càng gia tăng.

Các nhóm khoáng sản như khí đốt, than nâu, bauxite, đất hiếm, titan-zircon, đá hoa trắng, đá ốp lát, nguyên liệu làm ximăng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu trong nhiều thập kỷ tới.

Bằng tổ hợp phương pháp điều tra hiện đại như địa vật lý, địa hóa, viễn thám, đến nay 56,8% diện tích phần đất liền được điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Đây cũng chính là loại bản đồ địa chất cơ bản, làm nền tảng cho quy hoạch các ngành kinh tế-xã hội khác.

Hầu hết các cấu trúc địa chất đã được nghiên cứu, làm rõ dần lịch sử hình thành, phát triển các quy trình địa chất và đặc điểm khoáng sản. Công tác nghiên cứu nguồn gốc và quy luật phân bổ khoáng sản đạt được nhiều kết quả quan trọng, ghi nhận hơn 40 loại khoáng sản và hơn 5.000 mỏ, điểm biểu hiện khoáng sản.

Tại vùng biển Việt Nam, Cục đã hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản ven bờ (0-30m nước), tỷ lệ 1:500.000 và tỷ lệ 1:100.000-1:50.000 tại một số vùng trọng điểm, hiện đang tiếp tục điều tra vùng biển đến 100m.

Kết quả là Cục đã lập nên hệ thống bản đồ có nội dung đồng bộ, phong phú và tin cậy về cấu trúc địa chất, trầm tích Đệ tứ, triển vọng sa khoáng, môi trường đới biển ven bờ Việt Nam; đã khoanh định các diện tích có triển vọng phát hiện khoáng sản và cấu trúc tích tụ sa khoáng; hiện trạng môi trường địa chất nông ven bờ, các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến sự bền vững của bờ biển, quá trình phát sinh, hình thành và phát triển đường bờ biển đã được điều tra, nghiên cứu.

Các báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị đã nêu rõ kết quả của công tác điều tra, đánh giá cụ thể tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam, tiêu biểu như đã phát hiện và đưa vào thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ; dự báo tiềm năng dầu khí các bể trầm tích quan trọng ở sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn...; dự báo trữ lượng tài nguyên than đá của Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn.

Đánh giá trữ lượng nhóm khoáng sản kim loại, phi kim loại và khoáng chất công nghiệp, nước khoáng và nước ngầm của Cục Địa chất và Khoáng sản tạo tiền đề thành lập các tập đoàn công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tại các vùng Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Phước, Lai Châu...

Hiện Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã và đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều dự án điều tra, đánh giá khoáng sản quy mô lớn đối với loại khoáng sản trọng điểm quốc gia, đó là điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và bắc Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cục đang thi công Đề án thăm dò quặng urani khu Pà Lừa, Pà Rồng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể sông Hồng và điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục