"VN đi vào tranh của tôi một cách tự nhiên"

Nhiều lần triển lãm riêng chung ở Việt Nam, Nhật Bản và Nga từ 30 năm nay, năm 2007, Nguyễn Đình Đăng trở thành Họa sĩ “Đang lên nổi bật” (Outstanding Rising Artists) của Nhật Bản với tác phẩm Lối ra. Giải thưởng do Quỹ Mỹ thuật Sompo trao hàng năm.

Nhiều lần triển lãm riêng chung ở Việt Nam, Nhật Bản và Nga từ 30 năm nay, năm 2007, Nguyễn Đình Đăng trở thành Họa sĩ “Đang lên nổi bật” (Outstanding Rising Artists) của Nhật Bản với tác phẩm Lối ra. Giải thưởng do Quỹ Mỹ thuật Sompo trao hàng năm.
 
Nguyễn Đình Đăng là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất là thành viên một Hội Mỹ thuật của Nhật. Ông còn là một nhà vật lý với 2 bằng tiến sĩ đang làm việc tại Viện nghiên cứu Lý-Hóa của Nhật Bản, thông thạo bốn thứ tiếng và thường chơi piano vào giờ rảnh.
 
Về Hà Nội tháng 1/2009, ngoài công việc về Vật lý, ông có buổi nói chuyện về lịch sử và kỹ thuật vẽ sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
 
Không học Đại học Mỹ thuật là lựa chọn của anh?
 
Tuổi thơ tôi rất ít sự lựa chọn. Tuy thích vẽ và được nhiều người lớn trầm trồ khen vẽ giỏi từ khi 5-6 tuổi, tôi đã chọn vật lý. Vào thời đó, đây là cách duy nhất để tôi có thể ra nước ngoài học tập.
 
Anh thấy mình có hạn chế nào trong sáng tác khi không theo học trương lớp chính quy?
 
Điều này cũng giống như hỏi một người ăn rau bẩm sinh về sự hạn chế hay không hạn chế nếu họ ăn thịt. Có điều chắc chắn rằng, quá trình đào tạo tại các đại học tiên tiến chủ yếu cũng vẫn phải dựa vào tự học của sinh viên.
 
Anh có thể cho biết quá trình và phương pháp tự rèn luyện về hội họa của mình?
 
Hồi 4-5 tuổi, tôi hay dùng phấn đứng vẽ hàng giờ lên bảng đen ở nhà. Bố tôi là thầy dạy vẽ đầu tiên của tôi. Ông cũng là người đầu tiên dạy tôi tiếng Pháp, tiếng Anh, Toán, Vật lý, và gợi cho tôi niềm hứng thú với âm nhạc, văn chương phương Tây.
 
Lớn lên một chút, bố mẹ tôi cho tôi học vẽ tại các xưởng họa, câu lạc bộ, trường nghệ thuật. Tuy nhiên, sự học này thường bị gián đoạn bởi chiến tranh. Tôi thực sự chuyên tâm vào sơn dầu từ 1976, khi sang Nga học vật lý tại Đại học Quốc gia Mátxcơva.
 
Tôi tự học hội họa qua sách vở mà tôi có thể đọc bằng 4 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, và Ý. Công việc cho tôi may mắn đi khá nhiều nước, được xem các tác phẩm gốc tại hầu hết các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Để thực hành kỹ thuật vẽ cổ điển, tôi đã chép lại một số bản sao các tác phẩm của các danh họa thời Phục Hưng và Baroque. Qua đó, dần dần tạo ra và hoàn thiện kỹ thuật của riêng mình.
 
Bí quyết chinh phục nhiều lĩnh vực của anh?
 
Có lẽ là niềm say mê. Khi bạn say mê một cô gái, bạn luôn tìm ra thời gian để đến với cô ta. Khoa học, nghệ thuật, ngoại ngữ… còn hay ở chỗ chúng không đỏng đảnh và không bao giời phản bội bạn.
 
Bạn cống hiến cho chúng nhiều thì cũng sẽ nhận được nhiều, rất sòng phẳng… Cuối cùng, kỷ luật làm việc đóng vai trò quan trọng. Ví dụ không thể nào chơi piano giỏi nếu không luyện tập ít nhất 1-2 tiếng mỗi ngày.
 
Nếu anh toàn tâm toàn ý vào nghiên cứu vật lý hoặc vẽ, anh có nghĩ mình sẽ đạt được những thành tựu tầm cỡ hơn?
 
Nếu Leonardo da Vinci chuyên tâm vào hội họa thì ông sẽ vẽ được những bức tranh hay hơn? Tôi không chắc. Nguyên thần dồng piano Evgeny Kissin từng nói: Nếu một nghệ sĩ piano tập đàn quá 4 tiếng/ngày thì chỉ có hai khả năng - một là người đó không có tài, hai là người đó không còn việc gì khác để làm. Tôi cho rằng sự am hiểu nhiều lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động trong từng lĩnh vực.
 
Anh có cảm giác gì khi lần đầu được gọi là thiêu tài? Và cảm giá bây giờ của anh?
 
Lần đầu đó đã xảy ra quá lâu rồi, từ khi tôi còn bé. Bây giờ tôi không nhớ nữa. Sau đó, người ta đã gọi tôi như vậy vài lần, bằng vài thứ tiếng khác nhau. Vì thế, khi giáo sư Akito Arima, nguyên Bộ trưởng Văn hóa giáo dục Nhật Bản tuyên bố: “Ông Đăng là một thiên tài” trước khoảng 100 người tại buổi khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Nhật Bản năm 2001, tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt. Có lẽ lúc đó tôi đang chú ý đến tài diễn thuyết của giáo sư Arima.
 
Anh đã được giáo dục như thế nào? Đường lối giáo dục con cái của anh hiện nay?
 
Tôi có may mắn được tiếp thu một nền giáo dục mang đậm ảnh hưởng văn hóa phương Tây từ bố mẹ tôi đều từng là trí thức tu nghiệp tại Pháp. Ngoài học ở trường, cả ba anh chị em chúng tồi đều được học piano, học vẽ từ bé. Chúng tôi không hề bị ngăn cản thể hiện suy nghĩ của mình bằng lời nói trong gia đình. Bố mẹ tôi thường thảo luận việc nhà với con cái.
 
Sau này, tôi cũng dạy con trai tôi như vậy. Vợ chồng chúng tôi thường xuyên nói chuyện với con về tất cả mọi điều. Con trai tôi từng nhận xét rằng hai bố con tôi như hai người bạn. Hệ thống giáo dục của Nhật vẫn mang nặng tính hình thức và nặng về tiếp thu thụ động. Tôi luôn cố dạy con trai tôi hiểu rằng độc lập tư duy và thực tài mới là quan trọng.
 
Ngoài các giờ học ở trường, cháu còn học piano 13 năm, võ Aikido 9 năm và được nhận đai đen khi 18 tuổi. Hiện cháu là sinh viên năm thứ hai ngành kiến trúc. Cháu sử dụng được 3 thứ tiếng Nhật, Anh, tiếng mẹ đẻ - Việt, và chỉ thấy bánh chưng ngon khi chấm với nước mắm.
 
Nhật Bản có hấp lực gì đối với người tài, theo anh?
 
Ở Nhật, người tài được trọng dụng, trả lương cao. Nhật Bản là nước có luật pháp rõ ràng. Hiến pháp Nhật đảm bảo hoàn toàn không có một sự kiểm duyệt nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hay in ấn tác phẩm.
 
Nếu có tranh chấp liên quan, thì cả hai phía, phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng trước pháp luật… Trên thế giới có không ít các quốc gia như vậy. Người tài như những con chim, đất lành thì chim đậu.
 
Anh suy nghĩ gì khi đưa nhưng motif  Nhật Bản và tranh? Phải chăng vì anh không ở trong nước nên không thể đưa vào tranh mình nhiều hơn và sâu sắc hơn những yếu tố Việt Nam?
 
Tôi đưa vào trong tranh những gì tôi trải nghiệm trong đời. Tranh của tôi không chỉ có áo dài Việt Nam, kimono Nhật Bản, bánh dày giò chả Hà Nội, mà còn có các vũ công xứ Florence, các con thuyền trên bờ vịnh Napoli, giămbông Ibérico…
 
Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi phải vẽ những yếu tố Việt Nam chỉ vì tôi là người Việt Nam. Song, mặt khác, sống ở nước ngoài, kỷ niệm cộng với những đau đớn và bức xúc của tôi trước những “yếu tố” Việt Nam mà tôi hàng ngày hàng giờ thấy và đọc được trên internet đã khiến Việt Nam đi vào tranh của tôi một cách tự nhiên – như các bức “Ngày trưởng thành”, “Hà Nội ám ảnh”, “Phút cuối cùng của thành Cửa Bắc”, “Ký ức”, “Nỗi nhớ”…
 
Anh nghĩ sao về xu thế toàn cầu hóa trong văn hóa nghệ thuật hiện nay?
 
Tôi tin rằng một tác phẩm nghệ thuật giá trị cao phải chứa đựng những giá trị chung của toàn nhân loại. Đối với những nghệ sĩ đã trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, sẽ thực sự ngớ ngẩn khi nói về tính dân tộc trong sáng tạo của họ. Một nghệ sĩ có bố là người gốc Pháp, mẹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Mỹ thì tính dân tộc của anh ta sẽ nằm ở đâu? Đừng quên rằng số người như vậy trong thế giới phẳng ngày càng nhiều.
 
Tần suất bán tranh của anh thế nào? Anh có thể cho biết mức giá tranh của anh? Nếu bỏ hẳn công việc vật lý, anh hoàn toàn sống được bằng hội họa?

 
Tôi vẽ không phải để bán, tuy tỉnh thoảng cũng bán vài bức. Giá tranh của tôi tùy vào từng tác phẩm cụ thể. Nếu bạn hỏi giá bức tranh mới nhất của tôi, bức “Biến thái” (sơn dầu, 60x73cm) chẳng hạn, câu trả lời của tôi là khoảng 4.000 USD.
 
Tuy nhiên, nếu tôi phải sống bằng nghề vẽ thì chắc chúng tôi sẽ phải tổ chức “tiếp thị” tranh của tôi theo một cách khác. Hiện giờ tôi may mắn chưa phải làm như vậy./.
 
(TTVH&Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục