VN đứng thứ hai ASEAN thu hút doanh nghiệp Nhật

Giám đốc điều hành JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Việt Nam đứng thứ hai ASEAN về thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Chương trình kết nối giao thương Việt Nam-Nhật Bản, do Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JBAH) tổ chức vào ngày 12/9 đã mang lại cơ hội khám phá thị trường, thiết lập những quan hệ chiến lược và mở rộng hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức thúc đẩy Ngoại Thương Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam đứng thứ hai về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN, với khoảng 1.200 công ty. Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung ở các ngành lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, điện tử, y tế…

Tuy nhiên, để doanh nghiệp Nhật Bản giữ được ưu thế cạnh tranh và phát triển bền vững đồng thời thực hiện các cam kết đầu tư cũng như những dự án cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của cơ quan hành chính Việt Nam, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng một cách hợp lý, nhanh chóng các cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm giao thông, điện...; đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa đối với thủ tục hành chính, hướng dẫn và vận dụng luật pháp phải thống nhất…

Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, tính đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất nhập khẩu… có sự ổn định hơn so với năm trước đồng thời thị trường tài chính, bất động sản tuy chưa khởi sắc nhưng cũng đã diễn biến theo xu hướng tích cực hơn.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Do đó, những tháng cuối năm 2013 và sang năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi với tốc độ chậm, trong đó GDP của năm 2013 có khả năng tăng khoảng 5,3-5,5%, xuất khẩu tăng hơn 10%.

Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cả hai nước đang tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên có rất nhiều khả năng hợp tác trong thời gian tới.

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam đang có chiến lược không đặt mục tiêu chạy theo tăng trưởng cao mà ưu tiên tái cấu trúc, dẫn đến tập trung chính sách ưu tiên cho một số lĩnh vực nhất định. Theo đó, doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia đầu tư, kinh doanh, sản xuất ở các lĩnh vực như: công nghiệp hỗ trợ và sản xuất, thị trường tài chính…/.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục