VN đứng “top” đầu dùng rượu, bia trong giao thông

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình giao thông trong chín tháng qua có những chuyển biến tích cực, tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Chiều hướng giảm của tai nạn lại chưa có tính bền vững do không có tính liên tục và rõ rệt. Việt Nam thuộc 'top' đứng đầu các nước sử dụng chất kích thích (rượu, bia) khi tham gia giao thông.”
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình giao thông trong chín tháng qua có những chuyển biến tích cực, tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Chiều hướng giảm của tai nạn lại chưa có tính bền vững do không có tính liên tục và rõ rệt. Việt Nam thuộc 'top' đứng đầu các nước sử dụng chất kích thích (rượu, bia) khi tham gia giao thông.”

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp xung quanh vấn đề này.

Tính chất, mức độ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng

- Ông đánh giá như thế nào về bức tranh tình hình trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng qua?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Số vụ vi phạm, số người chết, người bị thương đều giảm sâu cả ba tiêu chí. Trong chín tháng năm 2012, cả nước có 48 tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết.

Bức tranh tổng thể tai nạn giao thông giảm. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tình hình ùn tắc giao thông lần đầu giảm. Ý thức người tham gia giao thông đã chấp hành Luật giao thông tốt hơn.

Mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông/năm chắc chắn sẽ hoàn thành nhờ nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể địa phương cùng người dân trong việc thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn có những tồn tại. Tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng giảm nhưng mức độ và tính chất nguy hiểm lại có chiều hướng gia tăng. Ùn tắc giao thông có giảm vào các giờ cao điểm sáng, chiều nhưng không rõ rệt.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, sự quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật xử lý vi phạm giao thông còn chưa nghiêm, ở một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng mãi lộ…

Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa mang tính bền vững do tốc độ giảm chận dần đều không duy trì tính liên tục. Tai nạn giao thông chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi lại tái diễn.

- Liên tiếp trong những tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước đã liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với xe khách, xe quá tải, quá khổ. Với nhiều người, tai nạn xe khách luôn ám ảnh trên những cung đường. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện nay, 85% tai nạn nghiêm trọng do xe quá khổ, quá tải, xe khách chở quá số người quy định.

Hiện nay, vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cũng đang có nhiều bất cập, gian lận. Các trung tâm sát hạch “trăm hoa đua nở” vì lợi nhuận nên đã cắt xén các chương trình đào tạo. Khi thi thì “móc ngoặc” bên trong nên khả năng có giấy phép là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Xe chở khách quá số người quy định chủ yếu diễn ra vào dịp cuối tuần, lễ tết và là vấn nạn, bức xúc của người đi đường, tạo bất an cho người dân. Trong dự thảo Nghị định 34 sửa đổi, Bộ Giao thông đã nhận được ý kiến cần phải xử phạt cả hành khách khi vi phạm nhưng sau đó Bộ thống nhất chỉ xử phạt phương tiện và lái xe.

Bên cạnh đó người tham gia giao thông bằng xe ôtô khách hãy là một hành khách thông minh, phải biết chọn phương tiện vào bến mua vé đảm bảo quyền lợi. Không nên đón xe ngoài để tránh tình trạng xe “dù” bến “cóc.”

Các loại xe này chủ yếu là của các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ lẻ, xe gia đình. Để xe chở quá số người quy định thì lực lượng tuần tra, kiểm soát phải chịu trách nhiệm vì mắt thường có thể nhìn thấy.

Đứng “top” đầu dùng rượu, bia trong giao thông

- Hiện nay, tử vong và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn là hồi chuông đáng báo động do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Quan điểm của ông như thế nào?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp:
Ở nước ta, số lượng người điều khiển xe mô tô, gắn máy ở nước ta còn nhiều. Bên cạnh đó, uống rượu bia là một tập quán, nhiều khi làm một nét văn hóa của người Việt. Vì vậy, chúng ta cũng cần có lộ trình để từng bước để nâng cao ý thức tự giác của người điều khiển mô tô, xe gắn máy.

Theo các tổ chức Quốc tế đánh giá, Việt Nam thuộc “top” các quốc gia đứng đầu về sử dụng chất kích thích (rượu, bia) khi tham gia giao thông.

Nguyên nhân là do chế tài xử phạt không đủ mạnh và chưa có giải pháp triệt để. Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cần phải xử lý hình sự là ngồi tù.

Hơn nữa, lực lượng tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn do không đủ quân số để dải đều, máy thở thử nồng độ cồn không chính xác vì người bị kiểm tra vi phạm thiếu thái độ hợp tác.

- Tại nước ngoài, có hình thức phạt cả người sử dụng và người cung cấp rượu bia. Vậy tại Việt Nam có nên làm thế?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Phòng chống rượu bia giống như phòng chống thuốc lá. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kí kết trách nhiệm xã hội của các đơn vị sản xuất và nhập khẩu rượu bia tại Việt Nam phải có hình thức khuyến cáo người tiêu dùng không uống rượu bia khi tham gia giao thông qua nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Ngoài ra, Ủy ban đã làm việc với một số nhà sản xuất về đồ uống không cồn để có những khẩu hiệu, logo hay slogan như: Cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông sang uống có trách nhiệm, uống có kế hoạch.

- Lộ trình hành động vì an toàn giao thông của nước ta trong thời gian tới sẽ như thế nào để thực hiện Thập kỷ An toàn giao thông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chính phủ quy định, năm nay sẽ là năm trọng điểm về xử lý an toàn giao thông. Theo đó, hành động vì an toàn giao thông sẽ thực hiện trong cả năm chứ không phải một tháng như các năm trước.

Trên phạm vi toàn cầu, thập kỷ này tập trung vào hai công việc chính bao gồm: Chống lạm dụng rượu bia trong hoạt động giao thông đường bộ và quản lý tốc độ lưu thông phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ.

- Xin cảm ơn ông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục