VN lần đầu đăng cai hội nghị thường niên ADB

Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6/5/2011 tại Hà Nội.
Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6/5/2011 tại Hà Nội.

Dự kiến khoảng 5.000 đại biểu đến từ 67 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ADB, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính đa biên, các tổ chức phi chính phủ, giới học giả và doanh nhân từ nhiều nước trên thế giới sẽ tham dự hội nghị.

Tại buổi họp báo ngày 28/5, tại Hà Nội, ông Robert Dawson, Tổng Thư ký ADB cho biết ADB đang có xu hướng chuyển địa điểm tổ chức hội nghị thường niên từ các nước phát triển - nước cung cấp hỗ trợ sang các nước đang phát triển - nước tiếp nhận hỗ trợ. Qua đó, ADB muốn nhấn mạnh đến vai trò, vị trí, tiếng nói và những thành tựu của các nước thành viên đang phát triển.

Theo ông Robert Dawson, sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong ADB cùng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong nỗ lực xóa nghèo, và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng cao trên các diễn đàn quốc tế là những lý do chính để ADB chọn Việt Nam là nước chủ nhà của hội nghị. “Việt Nam sẽ là minh chứng sống động về hiệu quả hợp tác giữa ADB và nước hội viên của mình,” ông Robert Dawson nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh thông qua việc tổ chức hội nghị, Việt Nam mong muốn thể hiện mình là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng ADB nói riêng và quốc tế nói chung. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước con người và tiềm năng phát triển, hợp tác đầu tư với bạn bè quốc tế.

Những vấn đề chính được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 44 của ADB gồm ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài về kinh tế và xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường, các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác khu vực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được thành lập năm 1966, ADB hiện có 67 nước hội viên gồm 48 nước trong khu vực và 19 nước ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam chính thức gia nhập ADB năm 1966, sau một thời gian gián đoạn, quan hệ tín dụng Việt Nam-ADB đã được nối lại năm 1993.

Kể từ năm 1993 đến nay, quan hệ Việt Nam và ADB ngày càng phát triển. Việt Nam hiện là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB, sau Bangladesh và Pakistan. Đặc biệt, tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cuối năm 2009, ADB cam kết tài trợ cho Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD, trở thành một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Tính đến hết tháng 11/2009, ADB đã tài trợ cho Việt Nam 87 chương trình, dự án với tổng số vốn hơn 8 tỷ USD, trong đó 38 dự án với số vốn trên trên 3,1 tỷ USD đã kết thúc giải ngân, số dự án còn lại đang trong quá trình thực hiện.

Các dự án, chương trình phát triển do ADB tài trợ cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, cải cách chính sách, tăng cường thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Dự kiến năm 2010, ADB sẽ tiếp tục tài trợ 16 chương trình, dự án với tổng mức tài trợ hơn 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh các chương trình, dự án vay vốn, ADB cũng đã tài trợ cho Việt Nam 229 hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá gần 117 triệu USD bằng vốn không hoàn lại, trong đó khoảng 2/3 đã kết thúc và đem lại nhiều kết quả và lợi ích thiết thực cho các bộ, ngành./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục