VN muốn hợp tác với lĩnh vực thế mạnh của Pháp

Việt Nam nhấn mạnh những thế mạnh của Pháp và phương hướng hợp tác với nước này trong tương lai, nhất là trong giáo dục đào tạo.
Nhận lời mời của Văn phòng Thủ tướng chính phủ Pháp François Fillon, đoàn Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Pháp từ ngày 16-18/3.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã có các buổi làm việc với cố vấn đối ngoại của các văn phòng tổng thống và thủ tướng Pháp.

Bộ trưởng nhắc lại Việt Nam đánh giá cao kết quả chuyến thăm của Thủ tướng François Fillon tới Việt Nam vào cuối tháng 11/2009 vừa qua.

Hai bên đã rà soát lại việc thực hiện các hiệp định và dự án, cũng như các hợp đồng đã được ký kết trong chuyến thăm này, khẳng định sẽ thúc đẩy các bộ ngành liên quan sớm triển khai những đề mục mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp François Fillon đã cam kết và thông qua.

Phía Việt Nam nhấn mạnh những thế mạnh của Pháp và phương hướng hợp tác với nước này trong tương lai, nhất là trong 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, hạ tầng cơ sở và chống biến đối khí hậu.

Trong giáo dục, Việt Nam bày tỏ mong muốn triển khai sớm việc thành lập trường đại học khoa học công nghệ để có thể tổ chức khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm nay.

Về hạ tầng cơ sở, Việt Nam mong các tập đoàn lớn của Pháp quan tâm đầu tư vào những dự án lớn như xây dựng đường tàu điện ngầm, nâng cấp tôn tạo cầu Long Biên.

Về chống biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là một trong những nước chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Pháp trong lĩnh vực này để giảm thiểu những thiên tai do các thảm họa tự nhiên gây ra.

Về phía Pháp, các cố vấn đối ngoại của Tổng thống và Thủ tướng Pháp cũng khẳng định lại mong muốn đón đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm Pháp, có thể là vào dịp diễn ra Hội nghị Á-Âu (ASEM) tại Brussels (Bỉ) vào tháng 10 tới.

Hai bên thừa nhận quan hệ Việt Nam-Pháp trên thực tế đã vươn tới tầm đối tác chiến lược, mặc dù điều này chưa được khẳng định trên văn bản hay công bố chính thức.

Ngoài ra, hai bên cũng khẳng định giao cho Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp lên chương trình tổ chức "Năm Việt Nam tại Pháp" và "Năm Pháp tại Việt Nam" để có thể triển khai vào năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong thời gian ở Pháp, đoàn cũng đã đến làm việc với đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở tại thủ đô Paris. Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm cải cách thể chế và hành chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, phía OECD nhận xét đề án 30 về cải cách hành chính của Việt Nam được tiến hành theo chiều hướng tốt, đúng đắn, mang lại hiệu quả rõ rệt và thể hiện quyết tâm chính trị của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhân dịp này, hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực cải cách thể chế hành chính ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục