VN quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với OIF

Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO ở Pháp, Việt Nam quyết tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với OIF.
Bộ phim Việt Nam mang tên “Chuyện của Pao” của đạo diễn và biên kịch Ngô Quang Hải, công chiếu ngày 24/3 ở thủ đô Paris, Pháp, đã kết thúc Liên hoan phim Pháp ngữ lần thứ hai, vừa diễn một tuần và các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Pháp ngữ tại Pháp.

Tham dự buổi chiếu phim có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng và phu nhân, cùng đông đảo Việt kiều, các bạn học sinh, sinh viên và các bạn bè quốc tế tại một số nước thành viên của tổ chức Pháp ngữ và bạn bè Pháp, tại Paris và một số vùng lân cận.

Đến với buổi chiếu phim (có phụ đề tiếng Pháp), ngoài việc hiểu được cốt truyện phim, khán giả thực sự được đi du lịch qua những thước phim và chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp vùng núi Tây Bắc, chứng kiến không khí sinh hoạt đặc trưng của người dân tộc H’Mông miền núi phía Bắc Việt Nam.

Bạn Helène, một sinh viên Hy Lạp nói: "Bộ phim rất thú vị. Tôi đã có một sự khám phá rất thích thú khi xem bộ phim này. Qua đây tôi mới biết rằng đất nước Việt Nam của các bạn thật tuyệt."

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Pháp bên lề buổi chiếu bộ phim của Việt Nam "Sinh Mệnh," Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Liên hợp quốc về Văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO) tại Pháp, giáo sư Dương Văn Quảng, đánh giá cao sáng kiến tổ chức Liên hoan phim Pháp ngữ tại Pháp, do phía Việt Nam đưa ra từ năm 2011 và cho rằng đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng Ngày quốc tế Pháp ngữ.

Ông nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với tổ chức pháp ngữ cũng như các quốc gia thành viên của tổ chức này, như Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh đã nói trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam, bằng việc tăng cường giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam. Vì theo ông, ngoài hợp tác trong lĩnh vực chính trị, hợp tác về văn hóa và ngôn ngữ, được coi là "xương sống" của tổ chức và ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp cũng là ngôn ngữ quan trọng trên trường quốc tế.

Đánh giá về vai trò và sự tham gia của Việt Nam vào Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), trên cả ba phương diện chính trị, văn hóa-ngôn ngữ và kinh tế, Đại sứ cũng cho biết sự tham gia của Việt Nam vào tổ chức này được chia làm nhiều giai đoạn. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của OIF, nhất là khi tổ chức này còn mang tên Cơ quan hợp tác kỹ thuật và văn hóa (ACCT),Việt Nam chỉ tham gia ở góc độ giảng dạy tiếng Pháp, thúc đẩy tiếng Pháp và các giao lưu văn hóa ở Việt Nam.

Nhưng khi Việt Nam tiến hành đổi mới, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ ngoai giao, đặc biệt việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm 1997 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử trong quá trình phát triển của OIF và việc Việt Nam tham gia tổ chức này.

Sau đó, bên cạnh hoạt động về văn hóa, ngôn ngữ, Việt Nam đẩy mạnh hoạt động về kinh tế trong tổ chức OIF, đó là tiến hành hợp tác ba bên (trong lĩnh vực nông nghiệp) như Việt Nam đã và đang làm với một số nước pháp ngữ ở châu Phi và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đang tiến hành các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác này.

Theo Đại sứ, Việt Nam không chỉ phối hợp với OIF để đẩy mạnh, đa phương hóa và dạng hóa các mối quan hệ, mà ngược lại tổ chức này cùng cần Việt Nam vì vai trò quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, trong OIF và đặt biệt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên.

Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết trong thời gian tới để phát triển và đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ, Việt Nam cần xác định các lĩnh vực ưu tiên có thể tham gia, đẩy mạnh giảng dạy tiếng Pháp và phát triển văn hóa - đây là cái hồn và cái cốt trong quan hệ quốc tế của OIF đồng thời phát huy vai trò của mình trong hợp tác kinh tế. Có thể Việt Nam sẽ đứng ra đăng cai tổ chức một Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hoặc một Hội nghị về Bộ trưởng giáo dục các nước Pháp ngữ, hay một Đại hội thể thao các nước nói tiếng Pháp. Tổ chức OIF luôn mong muốn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình trong tổ chức OIF khu vực.

Cũng trong khuôn khổ Ngày quốc tế Pháp ngữ tại Pháp, Hoàng Hải Anh, sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại thương và Trần Ngọc Oanh, sinh viên Đại học Paris 9-Dauphine đã được nhận giải thưởng của cuộc thi tiếng Pháp "Những từ vàng."

Đây là cuộc thi được OIF, Liên đoàn báo chí pháp ngữ quốc tế, phối hợp với Bộ Văn hóa và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các vấn đến châu Âu của Pháp phối hợp tổ chức tổ chức hàng năm, nhân dịp Ngày quốc tế Pháp ngữ./.

Lê Hà-Nguyễn Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục