VN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm an ninh lương thực

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về an ninh lương thực với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về an ninh lương thực với các nước khác và cộng đồng quốc tế, thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là Chương trình hợp tác Nam-Nam vì an ninh lương thực của FAO.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể về an ninh lương thực chiều 29/1, ở Trung tâm hội nghị Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh an ninh lương thực là một vấn đề mang tính toàn cầu, cần sự quan tâm đặc biệt khi thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người bị đói và nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay vào năm 2050, thời điểm dân số thế giới sẽ lên đến hơn 9 tỷ người.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn kinh tế đều nhấn mạnh bảo đảm an ninh lương thực không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế hay nhân đạo, mà còn có vai trò quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một đất nước, một khu vực không đảm bảo an ninh lương thực sẽ tạo hệ lụy lan tỏa không nhỏ đối với các nước và các khu vực khác.

Các nhà lãnh đạo cho rằng việc bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều thách thức do diện tích đất nông nghiệp giảm; thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; đầu tư để tăng sản lượng lương thực hạn chế, đặc biệt ở những nước nghèo; rào cản thương mại nông sản và thu nhập thấp hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của người nghèo...

Từ thực tiễn của Việt Nam, nước từng chịu cảnh thiếu đói trong nhiều thập kỷ, ngày nay vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ bảo đảm an ninh lương thực cần thực hiện đồng bộ cả 3 nội dung, đó là bảo đảm tính sẵn có (nguồn cung lương thực, đầy đủ mọi nơi, mọi lúc), tính ổn định (hệ thống phân phối ổn định) và khả năng tiếp cận của người dân (có khả năng mua lương thực).

Là một trong số ít những nước được dự báo chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đặc biệt tình trạng nước biển dâng, nhưng lại là nước hàng năm cung cấp khoảng 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, trước hết trong việc triển khai Chương trình hành động thích ứng đối với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2020.

Nhấn mạnh cùng với cố gắng của từng quốc gia, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp hành động chung trong khu vực và toàn cầu, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao các nỗ lực của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đứng đầu là hệ thống các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các tiến bộ về bảo đảm an ninh lương thực còn chậm, chưa vững chắc và đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần tìm ra cách làm mới để bảo đảm lương thực cho thế giới một cách nhanh hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng cho rằng trước hết, từng quốc gia cần nỗ lực bảo vệ diện tích đất trồng cây lương thực, có chính sách bảo đảm lợi ích cho người sản xuất lương thực để họ an tâm sản xuất; tăng cường đầu tư để tăng sản lượng và chất lượng lương thực; tạo thuận lợi cho thương mại nông sản, xây dựng hệ thống phân phối lương thực ổn định; tạo cơ hội việc làm, thu nhập và hỗ trợ thích hợp để đảm bảo người dân có khả năng tiếp cận lương thực; thận trọng trong việc sử dụng lương thực vào mục đích khác.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo kiến nghị cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho FAO để tổ chức này đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan đến định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu.

Tối cùng ngày tại Davos, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục