VN tiến thêm một bước giảm phát thải từ nông nghiệp

Chương trình UN-REDD khởi động giai đoạn II tại Việt Nam sẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng.
Việt Nam vừa thực hiện một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn với chương trình hợp tác Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính gây ra do mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD).
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại hội thảo khởi động Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tổ chức sáng nay (11/10), tại Hà Nội. Giai đoạn I (2009-2013) của chương trình này, các bên liên quan đã xây dựng thành công Chương trình hành động REDD+ quốc gia và xây dựng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho các bên liên quan. Mục tiêu của Chương trình là tăng cường năng lực để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai khi thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. [Việt Nam khởi đầu Chương trình UN-REDD giai đoạn II] Trên cơ sở đó, tiến sỹ Phạm Mạnh Cường-Giám đốc chương trình cho biết, trong ba năm tới, chương trình sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý rừng và sử dụng đất tại sáu tỉnh thí điểm Bắc Cạn, Bình Thuận, Cà Mau, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Lào Cai. Đặc biệt, với chương trình này, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác UN-REDD chuyển sang giai đoạn II với khoản tài trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD để giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và sử dụng đất. Sự hỗ trợ này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước chuyển chương trình REDD+ sang tầm cao hơn, chuyển từ giai đoạn “chuẩn bị sẵn sàng” sang thực hiện các hoạt động cụ thể. "Song song với mục đích chính là giảm thiểu khí thải nhà kính, giai đoạn II của chương trình cũng mang lại những lợi ích môi trường và xã hội khác," Giám đốc Phạm Mạnh Cường nhấn mạnh. Theo đó, ông Cường cho hay, để đạt được những mục tiêu này, dự án đã bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị cho việc lập kế hoạch REDD+ ở cấp địa phương có sự tham gia của người dân tại tỉnh Lâm Đồng. Trong những tháng tới, đại diện cơ quan nhà nước, chủ rừng và cộng đồng địa phương sẽ cùng thảo luận để thống nhất các biện pháp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, thúc đẩy bảo tồn quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Ngoài ra, các bên liên quan cũng sẽ thảo luận những khuyến khích vật chất hoặc những lợi ích đối với người sử dụng đất, đối tượng chủ chốt để có thể mang lại những  thay đổi cần thiết tại địa phương. Tại hội thảo, Điều Phối viên Thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường sự tham gia của các bên liên quan. Bà cho rằng, bài học quan trọng nhất rút ra được là các bên liên quan cần tham gia tích cực hơn và có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn. “Mặc dù Liên hợp quốc và Chính phủ cùng có trách nhiệm thực hiện giai đoạn II, nhưng thành công của chương trình phụ thuộc vào nhiều bên khác, bao gồm cả các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và khu vực tư nhân,” bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Chương trình UN-REDD là chương trình hợp tác Liên hợp quốc về Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển.

Chương trình đã chính thức khởi động năm 2008 và dựa trên kinh nghiệm chuyên môn của Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).

Để biết thêm thông tin về các hoạt động của Chương trình UN-REDD, hãy truy cập www.un-redd.org hoặc gửi email cho Chương trình tại un-redd@un-redd.org./.
Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục