VN ủng hộ các ưu tiên hợp tác theo Khung GMS

Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hợp tác ngành và đa ngành theo Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022.
Ngày 20/12, phát biểu tại Hội nghị cấp cao hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ tư được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Cộng hòa liên bang Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ủng hộ chủ đề của Hội nghị "Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS."

Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề về Khung chiến lược hợp tác mới GMS giai đoạn 2012-2022, tăng cường huy động các nguồn lực trong GMS, tăng cường sự tham gia của các địa phương và khu vực tư nhân vào việc thực hiện Khung chiến lược mới…

Đề cập về Khung chiến lược hợp tác mới GMS giai đoạn 2012-2022, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hợp tác ngành và đa ngành theo Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022; phát triển các hành lang giao thông trở thành các hành lang kinh tế để đạt được sự kết nối của Tiểu vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Các nước GMS cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển hành lang kinh tế như các cấp quản lý trung ương, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng dân cư trong Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Việt Nam cũng cam kết tích cực đóng góp và chia sẻ lợi ích từ các sáng kiến hợp tác, trong đó có Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Việt Nam nhận thức rằng việc hợp tác và liên kết vùng chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao vai trò và năng lực cạnh tranh quốc gia; hạn chế các tác động tiêu cực từ bên ngoài, chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hoạch địch các chính sách phù hợp đối với việc phát triển kinh tế xã hội của các nước GMS; nhất là chú trọng giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển như: suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Mấy năm gần đây, thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp và gây ra hậu quả rất nặng nề ở khu vực, nhất là ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Vì vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước Mekong vì sự phát triển chung của khu vực, trong đó có cả các nước thượng nguồn cũng như các nước hạ nguồn.

Theo đó, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong phải là một nội dung có ý nghĩa quyết định trong chiến lược hợp tác phát triển Tiểu vùng trong 10 năm tới.

Việt Nam rất hoan nghênh việc mới đây, thủ tướng các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam thống nhất nghiên cứu khoa học, thận trọng và tổng thể về tác động đối với môi trường sống của các công trình trên dòng chính Mekong; hoan nghênh Thái Lan đăng cai Hội nghị thế giới về nguồn nước trong năm tới.

Việt Nam mong rằng Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022 sẽ hỗ trợ các nước hơn nữa trong hội nhập và hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác GMS, thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn GMS và kế hoạch đầu tư trong Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Về việc tăng cường huy động các nguồn lực trong GMS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các nước GMS cần phải chủ động xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng và môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong GMS, nhất là các nguồn lực của khu vực tư nhân; tăng cường sự hợp tác giữa các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp giữa các nước GMS trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch và các lĩnh vực kinh tế xã hội khác; tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên của tiểu vùng; tăng cường tính sở hữu và sự tham gia trong chương trình GMS.

Bên cạnh đó, các nước GMS cần nỗ lực hơn nữa và có các giải pháp hữu hiệu để huy động vốn từ các tổ chức đa phương và song phương.

Việt Nam mong muốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục là đối tác phát triển lớn của Việt Nam và các quốc gia trong GMS, là cầu nối để huy động nguồn lực, tư vấn chính sách và hỗ trợ để các nước GMS thực hiện thành công Khung chiến lược hợp tác GMS 2012-2022.

Liên quan đến việc tăng cường sự tham gia của các địa phương và khu vực tư nhân vào việc thực hiện Khung chiến lược mới và vai trò của đầu tư công đối với việc huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những bài học từ khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc thu hút sự tham gia nhiều hơn của các địa phương và khu vực tư nhân để thúc đẩy thực hiện thành công Khung chiến lược mới của GMS có vai trò hết sức quan trọng.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị huy động chuyên gia và các bên liên quan ở các cấp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển các hành lang kinh tế. Phải tăng cường năng lực và sự điều phối giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan và các địa phương của các nước GMS.

Các nhà hoạch định chính sách ở các nước GMS cũng cần phải hợp tác chặt chẽ và cùng chia sẻ quan điểm để cùng nhau biến ý tưởng của từng nước GMS thành ý tưởng chung của khu vực, hướng vào mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ chủ trương phát triển các tuyến hành lang giao thông làm cơ sở để phát triển các tuyến hành lang kinh tế; phát triển các tuyến nhánh giao thông kết nối với các tuyến chính; phát triển các cực tăng trưởng tại các đô thị, thị trấn, địa điểm du lịch nằm trên tuyến hành lang.

Như vậy, trong việc chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, chúng ta không chỉ chú trọng đầu tư toàn diện đối với hạ tầng cứng mà còn phải phát triển cả hạ tầng mềm; phát triển toàn diện và nâng cao khả năng cạnh tranh của các thành phố, đô thị dọc các hành lang kinh tế.

Việt Nam trước mắt ưu tiên huy động vốn để tổ chức và thực hiện thành công các hành lang kinh tế mang tầm chiến lược quốc gia của Việt Nam trong GMS như hành lang kinh tế Đông Tây, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế phía Nam.

Và để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế này, Việt Nam cho rằng cần có các chương trình phát triển những mạng lưới kết nối các vùng kinh tế với các hành lang này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại giữa các nước trong khu vực cũng như giữa các vùng lân cận để tối đa hóa hiệu quả của chương trình.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong quá trình nâng cao hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác GMS, đặc biệt trong phát triển các hành lang kinh tế. Tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư sang các nước GMS. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và phát triển của khu vực tư nhân thông qua việc cung cấp thông tin, đối thoại giữa khu vực công-tư, nghiên cứu tạo ra các ưu đãi tài chính và cơ sở hạ tầng cho khu vực này khi tham gia, thực hiện các sáng kiến trong khuôn khổ GMS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục