VN xóa khoảng cách giới nhanh nhất Đông-Nam Á

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất ở Đông-Nam Á.
Ngày 4/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã diễn ra buổi tọa đàm “Nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế.”

Buổi tọa đàm do do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại buổi tọa đàm này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua ở khu vực Đông-Nam Á.

Theo đó, chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam mức trung bình thấp ở năm 1995, đạt giá trị 0,537, nằm ở vị trí 72/130 nước trên thế giới, đến năm 2009 đã xếp ở mức trung bình cao, đạt giá trị 0,732, nằm ở vị trí 94/155 nước trên thế giới. Riêng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đại biểu Quốc hội hiện nay gần 26%, Việt Nam được xếp đứng đầu trong 8 nước có nghị viện ở Đông Nam Á, đứng thứ 4 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, mục tiêu mà Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đưa ra trong dự thảo Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là phấn đấu đưa Việt Nam vượt qua mức trung bình cao, nằm mức khá của thế giới.

Tại buổi tọa đàm, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng muốn nâng cao vị thế của người phụ nữ thì trước hết bản thân người phụ nữ phải có ý thức, ý chí chính trị mạnh mẽ để tham gia vào việc lãnh đạo; phải đưa được những chính sách về bình đẳng giới của quốc gia về địa phương để thực hiện; đồng thời xây dựng năng lực cho người phụ nữ bằng các khóa đào tạo…

Ông Cao Trần Quốc Hải, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao cũng đưa ra 5 kinh nghiệm để thực hiện việc bình đẳng giới như quyết tâm thực hiện của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách liên quan; việc bình đẳng giới không chỉ ở quyền lợi kinh tế, chính trị, giáo dục… mà còn ở trách nhiệm với gia đình, nuôi dạy con cái; có các cơ quan chuyên trách để thực hiện, giám sát, thanh tra việc bình đẳng giới...

Buổi tọa đàm còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra, là cơ hội để thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong phát triển và hội nhập quốc tế hướng tới bình đẳng giới thực chất.

Gần 50 đại biểu trên toàn quốc đã tham dự tọa đàm, trong đó rất nhiều lãnh đạo nữ cấp cao ở một số Bộ, ngành, địa phương, các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của các nước Phần Lan, Ireland, Canada, Lào../.

Quang Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục