VN-Châu Phi-Trung Đông: Đối tác mới cho phát triển

Châu Phi và Trung Đông là địa bàn có khả năng đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam về nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhân lực, đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, Châu Phi và Trung Đông còn hạn chế, do doanh nghiệp chưa có đủ thông tin về thị trường. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các doanh nghiệp lớn đi tiên phong, khai phá thị trường nên các doanh nghiệp nhỏ lại càng e ngại. Hơn nữa chính phủ các bên chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể, thủ tục hành chính chưa thuận tiện và kéo dài .
Ngày 7/9 tại Hà Nội, hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam, 20 doanh nghiệp đến từ các nước châu Phi và Trung Đông đã dự hội thảo “Việt Nam-Châu Phi-Trung Đông: Đối tác mới cho sự phát triển,” nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc cho biết Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hầu hết với các nước châu Phi và Trung Đông. Giữa Việt Nam, châu Phi và Trung Đông có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Châu Phi và Trung Đông là địa bàn có khả năng đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam về nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhân lực, đầu tư.

Các nước Trung Đông, nhất là các nước vùng Vịnh đang có xu hướng đẩy mạnh hợp tác và ngày càng tiếp nhận nhiều lao động của Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-châu Phi và Trung Đông ngày càng được mở rộng. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Phi tăng từ 2,07 tỷ USD năm 2009 lên 4,77 tỷ USD năm 2011 và ước đạt 1,81 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2012.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, hóa chất... Các thị trường xuất khẩu quan trọng là Nam Phi, Ai Cập, Algeria, Mozambique, Morocco...

Tính đến tháng 8/2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư sang châu Phi với tổng giá trị dự án lên tới gần 1,2 tỷ USD.

Gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông tăng mạnh, năm 2012 đạt 3,31 tỷ USD, năm 2011 đạt 5,17 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3,95 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút, Iraq, Israel với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sợi các loại, hàng hải sản, caosu, chè, sữa, hạt tiêu...

Ngược lại Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, sản phẩm đá quý và kim loại quý.

Tình hình triển khai các dự án hợp tác tiến triển thuận lợi, đến tháng 8/2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có bốn dự án đầu tư sang Trung Đông với tổng giá trị dự án lên tới hơn 84 triệu USD.

Trình bày kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, Châu Phi và Trung Đông, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Châu Phi và Trung Đông đã chỉ ra những tồn tại từ phía doanh nghiệp và chính phủ như doanh nghiệp chưa có đủ thông tin về thị trường, chưa tự tin vào khả năng thành công của mình, còn e ngại trước những rủi ro và thách thức nên chưa mạnh dạn hợp tác, đầu tư.

Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các doanh nghiệp lớn đi tiên phong, khai phá thị trường nên các doanh nghiệp nhỏ lại càng e ngại. Hơn nữa chính phủ các bên có chủ trương khuyến khích hợp tác kinh tế, nhưng chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể, thủ tục hành chính chưa thuận tiện và kéo dài nên kết quả hợp tác còn chưa cao.

Việc doanh nghiệp tìm được cơ hội và đối tác hợp tác là cực kỳ quan trọng, tuy nhiên nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ nước sở tại, thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể thì hoạt động của các doanh nghiệp rất khó thành công.

Đề xuất một số biện pháp để phát triển quan hệ kinh tế và đầu tư tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và Châu Phi-Trung Đông, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng cần thiết xây dựng Diễn đàn Việt Nam-Châu Phi-Trung Đông trở thành ngôi nhà chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Châu Phi-Trung Đông.

Cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin qua nhiều kênh của diễn đàn như trang thông tin điện tử, ban thư ký, ban chuyên gia, các hội thảo, đào tạo, phát hành tài liệu...

Điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ cao nhất của Chính phủ các nước, được cụ thể hóa thành các chính sách, quy định và đặc biệt là cải thiện thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Đại sứ các nước Châu Phi-Trung Đông tạo cầu nối giữa các bên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị với chính phủ nước mình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác kinh tế.

Nhân dịp này, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Châu Phi-Trung Đông đã chính thức ra mắt để làm cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa cộng đồng doanh nghiệp các bên. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel làm Chủ tịch Diễn đàn.

Được biết, dân số Châu Phi hiện nay đạt khoảng 1 tỷ dân, Trung Đông là 260 triệu dân, là các thị trường đang phát triển và rất tiềm năng đối với Việt Nam. Các nước châu Phi và Trung Đông đều có mối quan hệ ngoại giao gần gũi với Việt Nam./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục